Chống rét cho gia súc
Cần chú ý làm chuồng nuôi cao ráo, dễ thoát nước. Nên làm cửa chuồng về hướng nam để đảm bảo được độ thoáng cũng như không quá nóng, quá lạnh và tránh được gió mùa. Mái chuồng có độ cao ít nhất là 3 m nhô ra khỏi tường tối thiểu 0,5m để tránh nước mưa hắt vào tường và chuồng nuôi làm vật nuôi bị nhiễm nước mưa lạnh dễ sinh bệnh. Nền chuồng cần cao hơn mặt đất 40-50 cm, có độ dốc 2-3% để phân và nước thải trong chuồng trôi được về hố chứa. Trong chuồng cần đảm bảo ấm áp nhưng phải thoáng khí.
Có thể dùng cỏ khô, rơm khô, thân cây bắp khô… để lót chuồng cho gia súc. Xung quanh chuồng dùng bạt, phên, nứa để quây che chắn tránh gió lùa. Dùng bao tải gai, chăn buộc lên thân gia súc để chống rét.
Chế độ ăn cho vật nuôi cần hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp vật nuôi giữ ấm cơ thể, tăng sức đề kháng. Cần chuẩn bị sẵn thức ăn dự phòng cho trâu, bò sử dụng trong mùa mưa lạnh, nhất là thức ăn khô, thức ăn ủ chua...
Trung bình mỗi ngày, cho vật nuôi ăn 1 kg thức ăn tinh (bột bắp, cám, bột mì…) và 30 kg thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, thức ăn ủ chua…) cho 1 trâu/bò trưởng thành là chúng đủ sức khỏe trong mùa đông lạnh. Nước uống cũng cần cung cấp đủ cho vật nuôi và bổ sung thêm muối vào trong nước uống cho trâu, bò trong những ngày rét giữ tại chuồng để chúng giữ ấm được cơ thể và khỏe mạnh hơn. Nên nuôi nhốt trong chuồng trong những ngày rét đậm, chỉ thả gia súc khi trời có nắng, nhiệt độ tăng lên.
(Theo KNQG)