Chủ tịch nước: “Cần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng“
Chủ tịch nước yêu cầu Ngành Tư pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
“Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài”. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đối với ngành Tư pháp tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 25.12, tại Hà Nội.
Năm 2017, Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã chủ động và tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật. Xử lý có hiệu quả các vấn đề pháp lý trong hội nhập quốc tế, tham gia các điều ước quốc tế, các thiết chế pháp lý đa phương toàn cầu, như Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế, Tổ chức Luật phát triển quốc tế, Tổ chức tham vấn pháp luật Á - Phi... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, công tác hội nhập quốc tế, đồng thời giúp các cơ quan pháp luật, tư pháp và đội ngũ cán bộ các ngành, địa phương có cơ hội tiếp cận với hệ thống pháp luật và các chuẩn mực quốc tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong các giao lưu dân sự, thương mại quốc tế.
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Chiến lược cải cách tư pháp được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 vào các văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Ngành đã kịp thời phát hiện những quy định bất hợp lý, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, được dư luận hoan nghênh, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2016, đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội giao, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và Tổ chức Thương mại thế giới, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Tư pháp đặt ra rất nặng nề. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành Tư pháp chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, nhất là về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước đề nghị ngành cần phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua, như Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... Cùng với đó, ngành cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp.
“Chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tăng cường công tác theo dõi thi hành án hành chính; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục phối hợp tham mưu xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng và có giải pháp hiệu quả phòng ngừa các tranh chấp đầu tư quốc tế; bảo đảm các căn cứ pháp lý vững chắc trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do, các điều ước quốc tế khác được ký kết nhân danh Nhà nước. Đồng thời chủ động, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hiệu quả, thiết thực và chủ quyền quốc gia.
Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, yếu tố con người - đội ngũ cán bộ tư pháp giữ vai trò quyết định. Vì vậy, ngành Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, coi công tác tư pháp là công việc thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, công tác Tư pháp sẽ có bước phát triển mới, Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp sẽ giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Theo Việt Cường (VOV)