Bệnh thèm tiền!
Ông nói lạ thế, ai mà không thèm tiền; thậm chí có người còn coi tiền là tiên là phật, là sức bật của người già mà ông!
Nghe bạn nói mà lòng thấy buồn. Buồn vì, xã hội ta đâu ai giáo dục xem tiền là tất cả; dùng tiền để làm đòn xoay phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên từ chuẩn mực, tiền phong, gương mẫu trở thành tên tội phạm, phải đứng trước vành móng ngựa “khai” vanh vách trước bàn dân thiên hạ những thủ đoạn lừa dân, dối Đảng, móc ngoặc, tham ô, tham nhũng; bất chấp tất cả để dẫn tới cố ý làm trái phải “ngã ngựa”, vướng vào vòng lao lý. Hơn thế nữa, khi đọc báo ngày 20.12 vừa rồi, biết cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ, đại gia sinh năm 1975 ở Đà Nẵng (còn gọi là Vũ “nhôm”), về tội “cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”… thì thật là rùng mình! Nhiều người còn cảnh báo “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” như TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương là có thật!
Tranh minh họa (nguồn: phapluatplus.vn)
Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” còn có các cách gọi khác nhau, là “chủ nghĩa tư bản lợi ích”, “chủ nghĩa tư bản bè phái”, “chủ nghĩa tư bản bè cánh”, “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn”,... “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó mà dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch. Đặc trưng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị. Nói họ thực hiện bóc lột “mềm” là vì không có hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh cụ thể để trực tiếp bóc lột giá trị thặng dư của lao động, sự bóc lột của họ tinh vi hơn, nhưng tai hại hơn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Sự bóc lột ấy thực hiện thông qua các dự án, các chương trình đầu tư; thông qua các cơ chế, chính sách (không phục vụ cho toàn xã hội mà phục vụ cho một nhóm người) và thông qua cách điều hành, cách quản lý mập mờ, không minh bạch, gây tiêu cực, tham nhũng... Họ thu lợi thông qua các công ty “sân sau”, công ty con, công ty cháu, công ty nhánh của gia đình, của “cánh hữu”. Nó ra đời trong (và gắn với) chủ nghĩa tư bản “man rợ”, chủ nghĩa tư bản “dã man”, chứ không phải chủ nghĩa tư bản văn minh.
Rất đáng lưu ý là, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không chỉ có trong xã hội tư bản (yếu kém và tha hóa) mà còn có trong các xã hội khác, ở các nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở đó “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi ích” đang nổi lên và hoành hành; khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản trị quốc gia yếu kém). Thực tiễn thế giới cho thấy, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” kìm hãm sự phát triển của quốc gia, làm cho đất nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” hàng thế kỷ không ra được, làm băng hoại đạo đức xã hội (do lệch chuẩn giá trị); làm méo mó, biến dạng các chủ trương, đường lối; gây nên các khuyết tật của nền kinh tế và của xã hội, để hậu quả lâu dài. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất phát từ các nguyên nhân, nguồn gốc: “Lợi ích nhóm” tiêu cực, các dạng ma-phi-a, tham nhũng có tổ chức, sự suy thoái đạo đức của cán bộ có chức quyền, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hóa và không có cơ chế tốt để nhân dân làm chủ và có quyền lực thật sự, trình độ và năng lực quản trị quốc gia yếu kém, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành pháp luật không nghiêm, bảo kê, bao che và dung túng cho các sai phạm. Ở đâu và khi nào mà “nhóm lợi ích” không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, mà để nó phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của Nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hóa, thì ở đó, tất yếu sẽ kéo theo “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện và tồn tại, không thể tránh được, không thể khác được, dù có muốn hay không….
Đành rằng, để thỏa mãn cơn “thèm tiền” thì đa số doanh nghiệp thường sử dụng cách quan hệ truyền thống, trong sáng theo kiểu gặp gỡ, trò chuyện, đối thoại để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thuận lợi trong làm ăn; nhưng cũng không ít kiểu “quan hệ sân sau”, “quan hệ gầm bàn”, quan hệ đút lót, “bôi trơn”… để tranh cướp bằng mọi giá trong làm ăn và để có quyền, có tiền từ những mối quan hệ đó. Thế mới có không ít “quan” giàu lên là nhờ “lộc”, “lá”. Nên Nghị quyết trung ương 5 nhấn mạnh: phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính...
Xin thưa với những người chưa bị lộ, hãy tỉnh lại ngay, trở về đúng vị trí của người đảng viên Cộng sản, tiếp tục nêu gương và phát huy tính tiền phong, gương mẫu để ngăn chặn các biểu hiện suy thoái và “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh; đừng vì “thèm tiền” bằng mọi giá mà làm sụp đổ cơ đồ của biết bao thế hệ người Việt Nam!
Lê Phương (Quy Nhơn)