Điều còn mãi, sự kiện âm nhạc 2.9
Điều còn mãi có lẽ là chương trình duy nhất sử dụng thuần túy âm nhạc quốc nội, đặc biệt là nhạc không lời.
Một điều lạ là bấy lâu nay không ai thấy sự thiếu hụt trong đời sống biểu diễn âm nhạc cho đến khi xuất hiện những chương trình kiểu như Điều còn mãi do báo Vietnamnet tổ chức. Ngày nay nói đến âm nhạc là người ta chỉ nghĩ đến ca khúc và các ca sĩ.
Theo nhận thức và nhu cầu số đông khán giả, các chương trình ca nhạc mang tính trình diễn với nhân tố chính là các ngôi sao thị trường được tổ chức liên miên. Rút cuộc nhìn đi nhìn lại hình như chỉ có mỗi Điều còn mãi là cung cấp đầu ra đàng hoàng cho khí nhạc Việt.
Trong đa số chương trình mang tính giao lưu quốc tế, nhạc Việt Nam thường chỉ được đại diện 1-2 tác phẩm cho có. Sự có mặt của Điều còn mãi hẳn là một sự khích lệ dành cho những tác giả cũng những nghệ sĩ vẫn âm thầm trên con đường khí nhạc.
Điều còn mãi lần thứ 5 tiếp tục cho khán giả một cái nhìn lướt qua về khí nhạc Việt Nam qua tiến trình lịch sử, gom cả những tác phẩm mang tính đại diện như rhapsodie Chim ưng của Đàm Linh, tổ khúc Tiếng hát sông Hương của Hoàng Dương cùng những tác phẩm vừa được viết ra như Xe chỉ luồn kim của Trần Mạnh Hùng hay nhạc phim Cánh đồng bất tận của Quốc Trung.
Có tác phẩm mang tính thể nghiệm như Ngẫu hứng phố của Trọng Đài đặt dàn kèn gỗ của dàn nhạc giao hưởng bên cạnh đàn đáy, trống phách ca trù và một giọng nữ nhạc nhẹ. Tác phẩm này tích hợp giai điệu “Te tò te đây là ban kèn hơi…”, cùng tiếng sáo và bộ gõ, qua đó người nghe có thể mường tượng ra đời sống muôn màu ở khu phố cổ Hà Nội. Đoạn kết của tác phẩm giống như một ca khúc ngắn do giọng nữ Mai Hoa- phu nhân của tác giả thể hiện.
Tuy nhiên chính vì muốn đem lại một cái nhìn tổng thể nên có một số tác phẩm chỉ được trình tấu trích đoạn, gây nên cảm giác thòm thèm cho người nghe. Đã thế chương trình lại gặp phải chuyện bất khả kháng do một giọng nữ cao đến muộn, nên đành hủy diễn một trong hai chương của tổ khúc giao hưởng viết cho ballet Kơ nhí. Kể cũng thiệt thòi cho tác giả Văn Ký trên hàng ghế khán giả, chờ mãi mà tác phẩm của mình không được vang lên, dù chỉ là trích đoạn.
Để có một sự kết nối với truyền thống, mỗi năm chương trình cho chuyển soạn một làn điệu dân ca. Trong nhạc mục cũng có những tác phẩm mang hơi hướng truyền thống như Hòn vọng phu 1&2 của Lê Thương hay Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương. Nhưng quan điểm của tổng đạo diễn Dương Thụ là muốn các màn trình diễn trung thành với bản nhạc (vốn khó diễn tả trọn vẹn âm hưởng dân gian của tác phẩm).
Đâm ra người nghe sẽ ít thấy Trọng Tấn, Duyên Huyền… luyến láy nhiều khi hát Hòn vọng phu. Tuy nhiên có một yếu tố không đổi trong toàn bộ thời lượng chương trình đó là dàn nhạc giao hưởng. Để chơi cùng dàn nhạc, các ngôi sao nhạc nhẹ như Mỹ Linh, Tùng Dương cho thính giả thấy một khía cạnh khác, kỹ thuật hơn, của giọng hát. Vì thế nói cho đúng thì đây là chương trình hòa nhạc thính phòng của người Việt Nam chứ cũng không hẳn toát lên được tổng thể âm nhạc Việt Nam.
Dù sao thì chương trình cũng làm dấy lên được tinh thần tự hào dân tộc trong dịp lễ trọng 2.9. Tiếng nói của một dân tộc quan trọng như thế nào thì âm nhạc hẳn là cũng quan trọng gần như vậy. Người yêu nhạc say sưa với pianist nổi tiếng thế giới như Liang Liang thì cũng nên biết rằng Việt Nam cũng có những tài năng trẻ đáng quý đáng khích lệ như Đỗ Phương Nhi hay Đỗ Hoàng Linh Chi- được giới thiệu trong hòa nhạc Điều còn mãi lần này.
Để đối trọng với nhạc thị trường, với những show diễn hoành tráng có yếu tố nước ngoài, Điều còn mãi nên được tổ chức quy mô hơn nữa để thực sự là sự kiện văn hóa lớn thu hút sự quan tâm của rộng rãi công chúng.
Theo N.M.Hà (TPO)