Tiếng thơm “Bình Ðịnh tốt nhà”
Ca dao xưa có câu “Tiếng đồn Bình Ðịnh tốt nhà/ Phú Yên tốt lúa, Khánh Hòa tốt trâu”. Nhiều năm qua, bằng tài năng, tâm huyết, một số nhóm thợ Bình Ðịnh vẫn bền bỉ với nghề xây dựng, sửa chữa nhà lá mái. Họ còn truyền dạy cho thế hệ cháu con để nghề của cha ông còn mãi theo thời gian.
Hiện nay ở Bình Định có 3 nhóm thợ (mỗi nhóm từ 4 - 6 người) chuyên xây dựng nhà lá mái. Họ đến từ các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn. Trong số này, nhiều người đã cao tuổi, sức khỏe xuống dần, nhưng niềm đam mê được xây dựng, sửa nhà vẫn còn vẹn nguyên.
Nhà lá mái Bình Định
Người thợ cả đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là ông Võ Ảnh (71 tuổi, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ). Nhóm thợ của ông hiện còn 6 người. Theo ông Võ Ảnh, để hoàn thành một căn nhà lá mái bình thường, cần tới 7 người thợ lành nghề làm ròng rã trong 2 năm.
“Nhà lá mái không có bản vẽ sẵn, tùy theo nhu cầu của chủ nhà, người thợ cả sẽ phóng ý, hình dung thiết kế trong đầu những ý chính, rồi vừa làm vừa tinh chỉnh đường nét, vậy nhưng khi ráp nhà các bộ phận đều khớp. Khi xây dựng nhà lá mái, công đoạn vá đấm quyết (phần nối những đầu kèo từ cột chính về phía góc đầu chái) là chi tiết khó. Vì những đầu kèo khi nối lại vừa cần có độ chắc chắn vừa cần có tính thẩm mỹ cao. Công đoạn này thường người thợ cả sẽ tự tay làm”, ông Ảnh phác họa trên nền nhà cho tôi thấy và thuyết minh.
Biết tôi đến tìm hiểu về nhà lá mái, ông Trần Lợi (79 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) hào hứng hẳn. Theo ông Lợi, ngay trong chi tiết của nhà lá mái, đã thể hiện tính cách người Bình Định. Đó là sự mềm mại mà rắn rỏi, uyển chuyển mà vững vàng. Cửa chính vào nhà phải làm đủ thấp để khách “vào bái nhà ra bái trời”. “Thợ làm nhà lá mái gửi cả tâm hồn và ý niệm về đời sống của người Bình Định vào trong từng đường nét, chi tiết”, ông Lợi cho biết thêm.
Gian nan giữ nghề
Cùng với việc sửa chữa, phục dựng nhà lá mái, chuyện làm sao để truyền nghề cho hậu bối là niềm riêng đau đáu của bất cứ người thợ nào, nhất là những người đã cao niên kỷ. Nghề làm nhà lá mái phải mất nhiều năm mới thạo, trong khi đó, chỉ mới vừa rành nghề mộc, thợ trẻ đã có thể kiếm ra tiền. Đã vậy, nghề lại kén người, không phải ai cũng có thể đủ sức theo học. Nên để nghề không bị thất truyền, “cha truyền con nối” là cách khá phổ biến.
Phải say mê thì mới theo nghề được, những thợ tôi gặp đều khẳng định như vậy. Trong số 4 người con trai ông Trần Lợi, chỉ có anh Trần Văn Gia (52 tuổi) là theo nghề cha. Tuy nhiên, những công đoạn khó như: Thay cột góc đầu chái, kèo luôn, xiên, ông vẫn phải “cầm tay chỉ việc”! “Nó yêu thích thì mình mới chỉ dạy được. Nhưng cũng gian nan ghê lắm. Lớp trẻ bây giờ thường nóng vội, thứ gì cũng muốn có ngay kết quả. Trong khi nghề này lại đòi hỏi sự tỉ mẩn, thận trọng trong từng chi tiết”, ông Lợi nói.
Với anh Võ Thanh Liêm (45 tuổi, con trai ông Võ Ảnh), sau 20 năm theo nghề, anh biết chạm trổ và làm những công đoạn khó như: vô những họng kèo, đóng cửa bàn khoa... “. Ban đầu tui được ông cụ chỉ dạy những công đoạn dễ như đục mộng, ráp kèo... lâu dần cũng thạo nghề. Mình trẻ, được cái năng động, khỏe hơn, còn những chi tiết khó như vô họng kèo vẫn phải học hỏi thêm. Thấy ông cụ chăm chút từng chi tiết nhỏ mà mình cũng cố gắng dần dần”, anh Liêm tâm sự.
Ông Phạm Quốc Hải, chủ nhân căn nhà lá mái ở thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, do ông Võ Ảnh xây dựng, cho biết: “Bác Ảnh vừa am hiểu tường tận, vừa thật sự nghiêm cẩn. Phải nói, bác là một người yêu nhà lá mái đến từng thớ gỗ!”.
* * *
Hiện nay việc giữ gìn di sản nhà lá mái còn vô vàn khó khăn. Phần lớn đó là tài sản cá nhân nên việc sửa chữa chưa có một định hướng cụ thể. Mỗi gia đình khi tu bổ cũng chỉ theo cách tự phát “hư đâu thay đấy”. May thay, vẫn còn đó những người hết lòng giữ lại hồn xưa để bảo tồn vốn quý của cha ông.
Nghe tôi hỏi vì sao cũng là nhà, cũng dựng, cũng đục, bào, chạm, trổ, nhưng người xưa lại tổng kết “Bình Ðịnh tốt nhà”, ông Nguyễn Xuân Thanh (64 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) - một thợ làm nhà lá mái chuyên nghiệp - đáp: Nhà lá mái là một nét kiến trúc đặc trưng của Bình Ðịnh, độc đáo vì tuy vật liệu chỉ là gỗ, tre, tranh, đất nhưng độ bền vững của nhà lại rất cao. Trong một ngôi nhà lá mái không hề có một cây đinh sắt nào. Chỉ kể hai điểm này thôi, đã thấy người thợ xưa giỏi đến cỡ nào. Việc xây dựng, cũng như sửa chữa đều có những cái khó riêng, đòi hỏi người thợ phải nhạy bén và nghiêm cẩn. Một ngôi nhà lá mái hoàn chỉnh có tính hài hòa, liên kết rất cao; mọi chi tiết trong nhà đều liên quan với nhau, vì vậy, người thợ phải am hiểu từng kết cấu, chi tiết... Ðể thay mới bộ phận này, nhiều khi phải khảo sát nhiều bộ phận khác là vì thế!
ÐÌNH TRƯƠNG
Tôi muốn liện hệ các thợ mộc về làm nhà mái lá. Xin cám ơn. Số điện thoại liên lạc: 0974777799