Tìm thấy bản đồ Phủ thành Quy Nhơn thời Tây Sơn sau 232 năm
Tập tư liệu “Quảng Thuận đạo sự tập” do Nguyễn Huy Quýnh sống vào đời Lê - Trịnh thực hiện là công trình tổng hợp lịch sử, địa chí, bản đồ gồm 94 trang, khổ 32 x 16 cm, trong đó có 27 trang viết, 57 trang bản đồ. Bản gốc tập tư liệu hiện do tộc họ Nguyễn ở Trường Lưu, Nghi Xuân, Hà Tĩnh giữ gìn. Đáng chú ý, trong tập tư liệu có bản đồ Phủ thành Quy Nhơn dưới thời Tây Sơn được tác giả vẽ khá chi tiết và theo lối tả thực rất sinh động (ảnh).
Phủ thành Quy Nhơn được xây dựng nằm chính giữa, bao quanh là bờ thành bao chạy vào tận sát núi, trước thành có cổng thành xây kiểu cổ lầu nằm trên khoảng đất rộng, vào bên trong là khu dân cư hay nhà các chức việc làm việc trong thành. Trong khu này có chùa, tháp xây theo kiểu cửu trùng đài. Trong cùng là thành Quy Nhơn được vẽ hình khối vuông, thành xây cao, cổng xây kiểu vòm cuốn, chính giữa có cờ màu đỏ, quanh có rìa.
Bản đồ này được vẽ vào năm 1785, tức khi thành Quy Nhơn đã được Nguyễn Nhạc và anh em Tây Sơn làm đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa. Ở đây có một nét tư liệu rất quan trọng và chân thực, đó là màu cờ của Tây Sơn là màu đỏ.
Thành Quy Nhơn là đại bản doanh đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn. Sau 5 năm đóng quân tại đây (1773 -1778), nhận thấy quy mô thành Quy Nhơn không đủ để xây dựng một vương triều, năm 1778 Nguyễn Nhạc đã quyết định sửa chữa, nâng cấp, dời sang thành Đồ Bàn làm đại bản doanh, làm lễ tế cáo trời đất và lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức.
Như vậy sau 232 năm, ta mới thấy được về khuôn viên kiến trúc của Phủ thành Quy Nhơn trong lịch sử. Đây có thể xem là tư liệu quý về khởi nghĩa Tây Sơn.
ÐINH BÁ HÒA