PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VÀ CHỐNG RÉT CHO GIA SÚC:
Không được chủ quan, lơ là
Việc đầu tư phát triển đàn gia súc đã và đang gặp nhiều bất lợi, bởi nhiệt độ thấp, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, nguy cơ các dịch bệnh tái phát cao. Trước tình hình trên, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ đàn gia súc.
Lực lượng Thú y hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc- xin lở mồm long móng cho đàn bò.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, hiện nay người chăn nuôi trong tỉnh đang nỗ lực đầu tư duy trì và phát triển đàn gia súc để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho thị trường cuối năm. Hiện toàn tỉnh có khoảng 315 ngàn con trâu bò và hơn 675 ngàn con heo. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển đàn gia súc trong thời điểm hiện nay gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết đang diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút. Hơn nữa, giá sản phẩm chăn nuôi đang giảm mạnh đã tác động đến đời sống sản xuất của người chăn nuôi, việc đầu tư chăm sóc vật nuôi có phần hạn chế.
Đáng lo ngại là một bộ phận người chăn nuôi ở các huyện miền núi, vùng cao vẫn còn tập quán thả rông đàn gia súc; không chuẩn bị, dự trữ thức ăn tại chỗ và cũng chưa quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh và chống rét cho trâu bò. Do vậy, các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, heo tai xanh có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, ngành chức năng và chính quyền cùng người chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh và chống rét cho vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Trạm CN&TY huyện Vân Canh, cho biết: Rút kinh nghiệm mấy năm trước, năm nay đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm cho vật nuôi. Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành tiêm phòng cho đàn gia súc đợt 2.2017. Qua hướng dẫn, người dân các xã vùng cao Canh Thuận, Canh Liên, Canh Hòa đã không còn thả rông trâu bò; mua bạt để khoanh che chuồng trại phòng chống rét; dự trữ rơm rạ, bột mì, bột bắp cho vật nuôi.
Các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh và chống rét cho đàn gia súc. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh, cho biết: Chi cục đã có văn bản yêu cầu các Trạm CN&TY tham mưu các phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; vùng thường có trâu, bò bị chết do đói, rét; hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc; hướng dẫn người chăn nuôi đưa trâu, bò thả núi về nuôi nhốt tại chuồng trại gần nhà để tiện chăm sóc. Đối với trâu bò già yếu, hướng dẫn vỗ béo để bán giết thịt. Hướng dẫn người chăn nuôi thu gom các loại phụ phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn cho gia súc; kiểm tra, gia cố chuồng trại đảm bảo độ ẩm, phun thuốc sát trùng chuồng trại; bổ sung thức ăn tinh, như cám gạo, bột bắp, bột mì hoặc cháo muối cho vật nuôi. Trạm Thú y tổ chức tốt công tác tiêm phòng và tăng cường giám sát đàn gia súc ở địa phương…
PHẠM TIẾN SỸ