Hỏi đáp về BHXH-BHYT
Hỏi: Ông G. làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu năm 2018 khi 56 tuổi 7 tháng, có 29 năm 7 tháng đóng BHXH. Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông G. được tính như thế nào?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 56 của Luật BHXH; khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ và khoản 2 Điều 17 của Thông tư số 59/2015/TTBLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ LĐ-TB&XH, tỉ lệ hưởng lương hưu của ông G. được tính như sau:
- Số năm đóng BHXH là 29 năm 7 tháng, số tháng lẻ là 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu là 30 năm.
- 16 năm đầu tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 17 đến năm thứ 30 là 14 năm, tính thêm: 14 x 2% = 28%;
- Tổng 2 tỉ lệ trên là: 45% + 28% = 73%.
- Ông G. nghỉ hưu khi 56 tuổi 7 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định là 3 năm 5 tháng) nên tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 6%.
Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông G. sẽ là 73% - 6% = 67%.
Hỏi: Năm 2018, bà H. nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí khi đủ 55 tuổi, có 32 năm đóng BHXH, mức bình quân tiền lương đóng BHXH của bà H là 4 triệu đồng. Hỏi mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của bà H. là bao nhiêu?
Trả lời: Khi bà H. nghỉ hưu, ngoài lương hưu hằng tháng bà còn được hưởng trợ cấp một lần. Thời gian đóng BHXH để tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của bà H được tính từ năm thứ 26 trở đi. Cụ thể mức trợ cấp được tính như sau: (32 năm - 25 năm) x (0,5 x 4 triệu) = 14 triệu đồng.
BHXH TỈNH