CÔNG TÁC KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP:
Nhìn lại để đi tới
Năm 2017 khép lại, những kết quả khả quan về “một mùa bội thu” công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Bước sang năm mới 2018, công tác tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ các cơ sở, DN hoạt động ổn định và phát triển.
Kết quả hoạt động khuyến công
Những ngày cuối năm 2017, có 2 đề án khuyến công (ĐA KC) thực hiện tại huyện miền núi Vân Canh được nghiệm thu. Đó là ĐA “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ nội, ngoại thất” thực hiện tại Công ty TNHH Tâm Phú, ở CCN Canh Vinh, xã Canh Vinh, và ĐA “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất bánh hỏi” tại hộ kinh doanh Nguyễn Thái Tiến, ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh.
Theo ông Phạm Văn Tâm, Giám đốc Công ty Tâm Phú, ĐA hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất gỗ có kinh phí gần 776 triệu đồng, trong đó kinh phí KC của tỉnh hỗ trợ 160 triệu đồng. Với số vốn này, DN đã đầu tư mới 2 máy làm mộng để tăng năng lực sản xuất gỗ nội, ngoại thất; đạt lợi nhuận khoảng 272 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong năm 2017, kinh phí KC trên địa bàn tỉnh là 3,6 tỉ đồng; trong đó KC quốc gia 1,1 tỉ đồng, KC địa phương 2,5 tỉ đồng, đều tăng trên 20% so với năm 2016. Điều đáng nói là trong các chương trình, ĐA tư vấn phát triển công nghiệp (KC-TVPTCN) năm 2017, Sở Công Thương chú trọng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, với chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đã có 13 ĐA với kinh phí hỗ trợ trên 2 tỉ đồng.
Đẩy mạnh công tác KC-TVPTCN
Theo đánh giá của ngành chức năng, năm 2017, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, hoạt động KC&TVPTCN trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến hoạt động KC. Nguồn kinh phí KC còn ít, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và DN, nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; chưa tập trung vào những nội dung trọng tâm; quy mô một số ĐA còn nhỏ, chưa đa dạng…
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh sẽ có 3 ĐA KC được thực hiện từ nguồn kinh phí KC quốc gia, gồm các ĐA: “Hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN Gò Mít (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát); “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, tại Công ty TNHH SX-TM-DV Trần Quang (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước); “Hỗ trợ tổ chức Hội chợ Công Thương duyên hải miền Trung - Bình Định 2018 (tổ chức tại TP Quy Nhơn).
Sở Công Thương còn xây dựng ĐA KC quốc gia điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 148 tỉ đồng, gồm 9 nội dung hoạt động theo hợp phần. Trong đó, hợp phần “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN chuyên ngành chế biến thủy sản Cát Khánh” chiếm gần 70 tỉ đồng, nhằm góp phần phát triển ngành chế biến thủy sản của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và thế giới...
VIẾT HIỀN