10 sự kiện, vấn đề nổi bật của Bình Ðịnh năm 2017
1. Di sản nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong niềm vinh dự chung, nghệ thuật bài chòi Bình Định càng tự hào hơn khi có những giá trị độc đáo, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy, nên được Bộ VH-TT&DL chọn là địa phương giữ vai trò “trung tâm” khi tiến hành triển khai xây dựng hồ sơ khoa học về Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ đề cử UNESCO.
Ảnh: HOÀI THU
2. Lễ khánh thành Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được Tỉnh ủy - HÐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trang trọng, kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2017). Trước đó gần 2 tháng, đoàn công tác đặc biệt do các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh dẫn đầu, đã đón rước tượng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành từ thủ đô Hà Nội về TP Quy Nhơn.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: VĂN LƯU
3. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao nhất 5 năm. Điểm nhấn tích cực trong bức tranh KT-XH năm 2017 của tỉnh là kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở 3 khu vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô của nền kinh tế lớn; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp vào nhóm tốt.
Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,8%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (8%), và cao hơn năm trước 1,48%. Sản xuất công nghiệp tạo dấu ấn rõ nét từ hiệu ứng của tổng thể các chính sách và cơ chế linh hoạt trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư và điều kiện hoạt động của DN; nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả cao.
Sản xuất ống thép ở khu công nghiệp Nhơn Hòa. Ảnh: N.HÂN
4. “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 13 - 2017, do Hội Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức tại TP Quy Nhơn, với chuỗi 20 hội nghị khoa học quốc tế và trường học chuyên đề. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 1.500 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 1 nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel. Bên cạnh đó, việc hình thành Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc xây dựng Bình Định trở thành điểm đến của các nhà khoa học. Đây là hướng đi mới trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chào mừng GS Gerard’t Hooft (người Hà Lan), đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999 tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 13. Ảnh: VĂN LƯU
5. Du lịch Bình Định khởi sắc. Năm 2017, ngành Du lịch Bình Định khởi sắc và bứt phá mạnh mẽ, nhiều hoạt động được triển khai có hiệu quả, lượng khách đến tăng khá; hạ tầng phục vụ du lịch phát triển mạnh; hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch đạt kết quả tốt, số dự án đầu tư lĩnh vực du lịch chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các dự án đầu tư vào tỉnh. Một số dự án trọng điểm đã hoàn thành và đi vào hoạt động, làm nòng cốt phát triển du lịch Bình Định. Năm 2017, ngành Du lịch Bình Định đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, tăng 15,6% so với năm 2016. Tổng doanh thu du lịch gần 2.134 tỉ đồng, tăng 42,5% so với năm trước.
Khách du lịch tham quan Hòn Khô. Ảnh: N.V
6. Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI-XV)” được UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28.10 tại TP Quy Nhơn. Lần đầu tiên có nhiều học giả uy tín trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu đề cao những giá trị của gốm cổ Bình Định. Đặc biệt, làm rõ về xuất khẩu gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á thế kỷ XV.
7. 20 tàu vỏ thép “nằm bờ”. Sự việc 20 tàu cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/CP cho ngư dân tại Bình Định do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ CA) và Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương (Nam Định) bàn giao, hạ thủy chưa được bao lâu đã bị rỉ sét, hư hỏng... khiến dư luận bức xúc. 6 cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) bị kỷ luật. Hàng loạt cuộc làm việc, đối thoại giữa các bộ, ngành, địa phương với đơn vị đóng tàu và ngư dân đã diễn ra để khắc phục hậu quả. Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định liên tục đốc thúc yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu triển khai các phương án và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa để sớm bàn giao tàu cá và bồi thường cho ngư dân. Tuy nhiên, đến tháng 12.2017, sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Sửa chữa tàu cá vỏ thép tại xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. Ảnh: V.N
8. Bão số 12 và tai nạn hàng hải nghiêm trọng. Bão số 12 - Damrey (ngày 3 - 4.11.2017) đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Bình Định. Nghiêm trọng nhất là sự cố 10 tàu chở hàng với hơn 100 thuyền viên neo đậu ở phao số 0 vịnh Quy Nhơn gặp nạn; trong đó, 8 tàu bị chìm, 2 tàu bị mắc cạn, hư hỏng. Bình Định đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cứu sống 71 thuyền viên trôi dạt từ các tàu chìm. Vụ việc khiến 11 người chết, 2 người còn mất tích.
Công tác cứu hộ, cứu nạn, cũng như các hoạt động khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng bão lũ đã được tỉnh và các bộ, ngành vào cuộc tích cực. Đây là sự cố chìm tàu chở hàng trong bão nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay, cũng là bài học đắt giá cho cả người dân, chính quyền về kỹ năng ứng phó thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường.
Tàu chở hàng bị sóng đánh dạt vào bờ hư hỏng nặng. Ảnh: VĂN LƯU
9. Vụ phá gần 61 ha rừng tự nhiên ở An Lão là vụ phá rừng lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Cơ quan Cảnh sát điều tra, CA tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 nghi phạm; nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật. Sau vụ việc này, công tác bảo vệ rừng được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan quyết liệt, nghiêm túc thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
10. Bình Định có thêm 2 bảo vật quốc gia. Trong 24 hiện vật và nhóm hiện vật trên cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 6 năm 2017), có cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn, niên đại giữa thế kỷ XIII, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Cặp tượng chim thần Garuda này thu được trong cuộc khai quật khảo cổ học tại phế tích Tháp Mẫm (thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, TX An Nhơn) vào năm 2011.
Ảnh: NGUYỄN VIẾT TUẤN
BÁO BÌNH ĐỊNH