Số lượng tàu đóng mới và tàu cải hoán giảm mạnh
Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, năm 2017 ngư dân trong tỉnh đã đóng mới 223 tàu cá, giảm 48% so với năm trước; số tàu cải hoán vỏ và máy là 237 chiếc, giảm 43,6%. Tàu cá đóng mới chủ yếu là để thay thế tàu cũ bị hư hỏng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của ngành; còn tàu cá cải hoán vỏ máy giảm do sửa chữa và thay máy những năm trước đã gần hết.
Hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại đội tàu cá cùng các nghề khai thác phù hợp với ngư trường và nguồn lợi; trong đó, tập trung giảm tàu công suất nhỏ, chuyển đổi một số ngành nghề khai thác thủy sản nhằm giảm cường độ khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và giám sát hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, nhất là đối với các tàu cá khai thác ven bờ.
Trong khi đó, thông tin từ ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, do nguồn gỗ nguyên liệu khan hiếm dẫn đến giá gỗ tăng, chi phí đóng tàu vỏ gỗ cũng tăng trên 25%, nên nhiều cơ sở đóng tàu và ngư dân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đóng mới, cải hoán tàu cá. Nguyên nhân nguồn gỗ nguyên liệu khan hiếm là trước đây gỗ chủ yếu nhập về từ Lào, Indonesia, Malaysia, Campuchia… và một số ít từ trong nước; tuy nhiên, từ năm 2016, Chính phủ Lào đã thống nhất ban hành chính sách cấm xuất khẩu và cấm cấp hạn mức xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chưa thành phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở đóng tàu được Bộ NN&PTNT cấp phép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Số lượng tàu đóng mới hằng năm khoảng 200-300 chiếc. Ngoài đóng tàu cho ngư dân trong tỉnh, các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ cũng nhận một số đơn hàng từ ngư dân ngoài tỉnh, nên nhu cầu gỗ rất lớn.
T.SỸ - N.NHUẬN