Một thoáng Bình Ðịnh
Khai mạc sáng 31.12 và kéo dài đến ngày 10.1, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Triển lãm ảnh nghệ thuật quê hương, con người duyên hải miền Trung- Tây Nguyên giới thiệu đến công chúng 126 bức ảnh đẹp về chủ đề trên… Góp mặt tại Triển lãm này, Bình Ðịnh có 13 ảnh, của 6 tác giả trong tỉnh. Từ trong bộ ảnh, một thoáng Bình Ðịnh đồng thời hiện lên, mời độc giả thưởng lãm một số bức ảnh đẹp.
“Trình diễn Hội đánh bài chòi tại Hội thảo quốc tế về bài chòi ở Bình Định năm 2015” - tác giả PHẠM KIM SƠN
Sau khi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (2014), ngày 7.12.2017, bài chòi chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hành trình vinh quang ấy của di sản này, Bình Định luôn có một vị trí đặc biệt: được xem là chiếc nôi ra đời; bài bản về chuyên môn và sở hữu những đặc trưng; có nhiều thành tựu trong bảo tồn, phát huy; là nơi diễn ra các kỳ hội thảo quốc gia, quốc tế về bài chòi; được Trung ương giao chủ trì xây dựng hồ sơ tiến cử bài chòi lên UNESCO… Bức ảnh trên của tác giả Phạm Kim Sơn ghi lại quang cảnh một hội đánh bài chòi - diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” - tháng 1.2015.
“Luyện võ Bình Định” - tác giả NGUYỄN VĂN HÀ
Võ và kiến trúc đền tháp Champa là hai di sản tiêu biểu, niềm tự hào của văn hóa Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hầu hết tháp Champa trên địa bàn tỉnh là di tích quốc gia, trong đó tháp Dương Long là di tích quốc gia đặc biệt. Bức “Luyện võ Bình Định” được nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Hà chụp một chiều tháng 4.2014, ghi lại nét diễm lệ, hùng tráng của cảnh và người - bên tháp Champa cổ (tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước), thầy trò (võ đường Lê Xuân Cảnh ở TX An Nhơn) lặng lẽ luyện võ. Tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2014.
“Giữ nghề truyền thống” - tác giả NGUYỄN DŨNG
Làng nghề thủ công truyền thống nhịp bước cùng đời sống hiện đại là lợi thế, nét đẹp của Bình Định, không chỉ làm trù phú kinh tế mà còn mang lại sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Trong đó, nghề chằm nón lá, nón ngựa và các làng nghề làm nón trong tỉnh gắn với bàn tay khéo léo và nét duyên người phụ nữ vẫn lặng lẽ góp phần vào đời sống kinh tế cho người thôn quê lúc nông nhàn, đồng thời là địa chỉ để thương để nhớ trong lòng khách tham quan làng nghề Bình Định. Tác phẩm đoạt giải ba- cuộc thi ảnh thời sự - nghệ thuật “Phụ nữ Bình Định trong thời kỳ đổi mới”.
“Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cù Lao Xanh” - tác giả LÊ HỒ BẮC
Cù Lao Xanh - xã đảo Nhơn Châu thuộc TP Quy Nhơn - là 1 trong 7 đảo tiền tiêu Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thực hiện dự án xây dựng cột cờ Tổ quốc. Công trình thanh niên này tại Nhơn Châu được khánh thành ngày 31.10.2014, cao 22,66m.
Tác giả bức ảnh chia sẻ: “Trong một chuyến đến Nhơn Châu tháng 11.2016 để khảo sát du lịch, tôi được mách nước 2 địa điểm không thể bỏ qua của nơi này, đó là ngọn hải đăng và cột cờ Tổ quốc, nằm cạnh nhau. Nhìn cờ Tổ quốc tung bay giữa mây trời đảo tiền tiêu quê mình, cảm xúc thật thiêng liêng, tự hào, tôi đặt tay lên ngực mình và mải mê bấm máy…”.
Triển lãm ảnh nghệ thuật quê hương, con người duyên hải miền Trung - Tây Nguyên do Sở VH&TT phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ VH-TT&DL) tổ chức. 10 tỉnh, thành trong khu vực có ảnh giới thiệu tại Triển lãm, gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng; mỗi bộ ảnh (mỗi tỉnh có 12, 13 ảnh) là phác thảo cho mỗi vùng đất, qua ảnh giới thiệu những nét đặc trưng, nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa… cùng vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của mỗi địa phương.
SAO LY