Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trà Thanh: Người nông dân mê nhiếp ảnh nghệ thuật
Tôi tìm đến căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Trà Thanh ở thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, dù có hẹn trước nhưng phải hơn nửa tiếng sau, anh mới từ ngoài ruộng về. Ðúng như cách anh em nhiếp ảnh nói vui, Trà Thanh là nghệ sĩ nhiếp ảnh nông dân, hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều trúng.
“Chuyên môn chính” là làm ruộng
Ái ngại vì để khách chờ, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trà Thanh ra giếng múc vội gàu nước rửa sơ tay chân, rồi mời khách vào nhà trong lời phân bua: “Mình có 4 sào ruộng đang trong thời điểm sạ nên phải tranh thủ làm cho kịp. Trong giới nhiếp ảnh ở tỉnh ta hiện nay, mỗi mình tôi có chuyên môn chính là làm ruộng chính hiệu. Vừa làm ruộng vừa sinh hoạt nghệ thuật, niềm vui có khi lại lớn thêm…”.
Có lẽ nhờ siêng năng với… chuyên môn chính nên nom anh trẻ và khỏe hơn tuổi 57.
30 năm trước, học hỏi từ một người anh chơi ảnh nghệ thuật, Trà Thanh tiếp cận kỹ thuật chụp ảnh. Sau đó, anh có thời gian mưu sinh bằng nghề chụp ảnh dạo, đồng thời tự học thêm vẽ chân dung. Những lúc nông nhàn, Trà Thanh đeo máy ảnh, cột giá vẽ phía sau xe đạp rong ruổi khắp nhiều miền quê ở Phù Mỹ, Phù Cát chụp ảnh, vẽ chân dung. “Thành quả” lớn nhất của nghề chụp ảnh dạo chính là đã có duyên gặp bà xã, người đã đồng cam cộng khổ cùng chồng mấy chục năm qua!, NSNA Trà Thanh vui vẻ bộc bạch.
Chị Đinh Thị Vinh, vợ NSNA Trà Thanh, chia sẻ: “Thấy chồng đờ đẫn suy nghĩ suốt ngày, nằm ngủ cũng nói mớ chuyện chụp ảnh, tôi biết là ổng đang tập trung cho cuộc thi ảnh nào đó. Còn nhớ cách đây gần 25 năm, thương chồng đam mê mà máy ảnh cũ kỹ, tôi bán cả tấn lúa để mua máy ảnh cơ tốt cho ổng. Sau đó rất lâu năm, nhà lại bán lúa bán gà mua máy ảnh kỹ thuật số…”.
Tác phẩm Chợ đêm của NSNA Trà Thanh.
Những tác phẩm đậm hồn quê
Mạch nguồn cảm hứng xuyên suốt trong tác phẩm của NSNA Trà Thanh là những cung bậc của tình yêu quê hương, người quê chân chất, mộc mạc, những khung cảnh thiên nhiên, lao động gần gũi, bình dị… được anh khai thác chủ yếu ở các xã trong huyện Phù Mỹ, đôi lúc cũng xa hơn nhưng nhiều lắm cũng chỉ ở trong tỉnh. Dù vậy, không gian địa lý chưa bao giờ bó hẹp ý tưởng sáng tạo trong tác phẩm của Trà Thanh.
Một số tác phẩm tiêu biểu của NSNA Trà Thanh tại cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh: Gió bay (giải nhì, năm 2005), Chiều buông dòng sông (giải ba, năm 2006), Làm theo lời Bác (giải nhì, 2008), Giờ trái đất (giải ba, năm 2010)…Tại cuộc thi khu vực, toàn quốc: Vầng sáng (triển lãm, 2004), Nhanh chân lẹ bước (triển lãm, 2007), Hạnh phúc (HCĐ, 2009), Vượt lũ đến trường (triển lãm, 2010), Chợ đêm (triển lãm, 2013), Ông đàn cháu nghe (HCĐ 2006, triển lãm 2014)…
NSNA Trà Thanh được giới nhiếp ảnh nhắc đến về khả năng khai thác hiệu quả “cây nhà lá vườn” và huy động cả người thân, hàng xóm làm người mẫu chụp ảnh. “Chịu chơi” nhất là khi anh thể hiện tác phẩm “Tóc thơm” chụp cảnh cậu con trai nhỏ của mình dội nước gội đầu cho mẹ tắm… khỏa thân. “Lúc đó đang bị cảm, lại mới sáng sớm, nên tôi sửng sốt khi chồng đi vào nói vợ nhanh nhanh cởi áo để… ra giếng tắm. Rồi ổng năn nỉ rằng ánh nắng ban mai rất đẹp không thể bỏ lỡ, khiến tôi cũng xiêu lòng làm người mẫu bất đắc dĩ…”, chị Đinh Thị Vinh cười tủm tỉm kể lại. Tác phẩm này được chọn dự treo Triển lãm ảnh “Phụ nữ và cuộc sống” tại TP Hồ Chí Minh năm 2003.
Những năm gần đây, nhiều người chơi ảnh nghệ thuật trong tỉnh đầu tư máy móc, trang thiết bị chụp ảnh hiện đại, đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để săn ảnh, nên NSNA Trà Thanh tự nhận thấy mình “rất hạn chế” do điều kiện kinh tế eo hẹp không dám mơ đến đầu tư máy xịn, việc đi xa cũng khó…. Dù vậy, nhờ tư duy nghệ thuật giàu chất sáng tạo, tìm tòi nên ngay trên những đề tài quen thuộc, gần gũi, tác phẩm của anh vẫn cuốn hút, khơi gợi được nhiều cảm xúc.
Năm 2014, NSNA Trà Thanh có dư điểm tích lũy qua tác phẩm đạt giải, triển lãm để được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam. Năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội NSNA Việt Nam tại Bình Định. Đó là những thành quả ngọt ngào từ sự nỗ lực không ngừng của người “nghệ sĩ nông dân”.
HOÀI THU