Nhóm người khuyết tật Phước Thiện Nhân: Chủ động hòa nhập cộng đồng
Tháng 4.2017, sau một thời gian dài chuẩn bị, nhóm người khuyết tật Phước Thiện Nhân (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) đi vào hoạt động; nhóm có 9 thành viên, trong đó có 7 người khuyết tật. Địa chỉ 270 đường Nguyễn Huệ, thị trấn Tuy Phước (nhà của một thành viên trong nhóm) trở thành nơi các thành viên thường xuyên lui tới, đặt cơ sở làm bánh truyền thống của nhóm để cùng học và tham gia làm bánh (bánh ít lá gai, bánh phu thê...).
Nhóm khuyết tật Phước Thiện Nhân làm bánh ít, bánh phu thê tại 270 Nguyễn Huệ, thị trấn Tuy Phước
Anh Hồ Minh Tâm, thành viên của nhóm, tâm sự: “Trước tôi đi bán vé số, mỗi ngày kiếm khoảng 70.000 đồng. Tôi bị khuyết tật ở 2 chân và lưng, đi lại rất khó khăn. Đi nhiều, mệt lắm, mà không kiếm được bao nhiêu tiền. Giờ tham gia với nhóm, tôi không phải dầm mưa dãi nắng, đi xa nữa, chỉ làm trong nhà thôi; việc làm chỉ là lau lá, xếp lá, gói bánh... phù hợp với người khuyết tật, mà thu nhập cũng ổn định hơn”.
Đến nay, sản phẩm bánh của nhóm Phước Thiện Nhân không chỉ tiêu thụ mạnh trên địa bàn thị trấn Tuy Phước mà còn tìm được khách hàng ở TP Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trung bình mỗi ngày, nhóm làm 200 - 300 bánh ít, chưa kể thêm mấy trăm bánh phu thê và một số loại bánh khác.
Ngoài ý tưởng ban đầu thành lập nhóm để tạo điều kiện cho nhau cùng hòa nhập cộng đồng, nhóm còn muốn được phát triển thương hiệu các loại bánh truyền thống của Bình Định. Chị Phạm Thị Phượng, Trưởng nhóm người khuyết tật Phước Thiện Nhân, chia sẻ: “Mấy anh chị em chúng tôi mỗi người mỗi công đoạn cho phù hợp với dạng khuyết tật và sức khỏe; việc nào nặng hơn thì 2 người bình thường giúp đỡ. Mới đầu cũng khó khăn vì sức khỏe của các thành viên bị hạn chế, đa số không ngồi lâu được; rồi còn phải tìm thị trường tiêu thụ bánh nữa. Nhưng sau 6 tháng đi vào hoạt động, hoạt động của nhóm đã ổn định hơn trước rất nhiều. Người khỏe mạnh hơn thì kiếm thị trường, chở bánh đi giao, người yếu hơn thì ngồi trên xe cùng nhau đưa bánh ra chợ bán. Chúng tôi gặp trở ngại về mặt bằng, vì cơ sở hiện tại là mượn nhà của một thành viên trong nhóm để làm. Về lâu dài thì phải có mặt bằng riêng thì mới phát triển bền vững được!”.
Để hành trình tự thân lập nghiệp, hòa nhập cộng đồng của nhóm người khuyết tật Phước Thiện Nhân được thuận lợi, bền vững hơn, có lẽ rất cần các cấp chính quyền, cộng đồng hỗ trợ.
LÊ DUYÊN