Thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng: Còn lắm gian nan
Hằng năm, các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỉ lệ không nhiều so với lượng án mà Chi cục Thi hành án dân sự TP Quy Nhơn thụ lý, song lượng tiền lại rất lớn. Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả thi hành án trên lĩnh vực này là mối quan tâm lớn của Chi cục.
Năm 2017, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Quy Nhơn phải THA 72 việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (TDNH) (chỉ chiếm 2,5% tổng số việc phải giải quyết), tương ứng với số tiền hơn 259 tỉ đồng (chiếm đến 66,5% tổng số tiền phải giải quyết). Kết quả, đã giải quyết được 12 việc, tương ứng với gần 41 tỉ đồng. Để đạt được kết quả đó, Chi cục đã tích cực chủ động trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải THA và xử lý tài sản bảo lãnh của bên thứ ba. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các cơ quan liên quan, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức TDNH.
Cần tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để tránh “rắc rối” trong quá trình THA.
- Trong ảnh: Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở TN-MT) phổ biến nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Nhiều lần đấu giá, giảm giá, không có người mua
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và thu được kết quả đáng khích lệ, song công tác THA đối với các việc liên quan đến TDNH vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn Nguyễn Trọng Tài, thời gian gần đây thị trường bất động sản trầm lắng đã ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện THA của người phải THA. Tài sản đưa ra bán đấu giá không thành do không có người đăng ký mua.
Đơn cử, vụ Công ty TNHH M.L. phải trả cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định số tiền hơn 50,6 tỉ đồng; đã kê biên tài sản, thẩm định giá là 32 tỉ đồng, đến nay đã giảm còn 8,77 tỉ đồng (giảm gần 4 lần) và bán đấu giá lần thứ 12 nhưng vẫn chưa có người mua tài sản. Nhiều vụ việc khác cũng trong tình trạng tương tự. Như Công ty TNHH T.V. phải trả nợ cho Ngân hàng Đông Á số tiền 4,3 tỉ đồng, tài sản từ kê biên, thẩm định ở mức 2,87 tỉ đồng giảm còn 1,5 tỉ đồng, qua 10 lần bán đấu giá vẫn vắng bóng người mua.
Bên cạnh đó, trong một số vụ việc sau khi tiến hành xác minh đất đai thế chấp để kê biên lại phát sinh thêm tài sản trên đất, khi cho vay ngân hàng chỉ nhận thế chấp là quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản trên đất. Có khi đất đai thế chấp có sự chênh lệch diện tích giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thực tế, gây khó khăn cho việc THA.
“Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân - nhất là người phải THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn chưa cao. Mặc dù việc THA cho các tổ chức TDNH đều có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh), nhưng đương sự cố tình chây ỳ, chống đối quyết liệt, nhiều trường hợp người phải THA cố tình khiếu nại nhằm kéo dài việc THA, ảnh hưởng đến tiến độ THA”, ông Tài cho hay.
Phân loại, xử lý dứt điểm
Dự báo, trong năm 2018, số vụ việc THA liên quan đến TDNH sẽ tăng cao cả về việc và tiền. Theo Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn Đỗ Đức Hùng, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao kết quả THA cho tổ chức TDNH, yêu cầu quan trọng là tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, chấp hành viên trong đơn vị. Đặc biệt là trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
“Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các văn bản, hướng dẫn liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động TDNH, tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu. Công tác rà soát, phân loại các việc THA liên quan đến tổ chức TDNH cần được chú trọng, từ đó, tổ chức THA dứt điểm đối với các vụ việc có điều kiện THA”
Ông Ðỗ Ðức Hùng, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các văn bản, hướng dẫn liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động TDNH, tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu. Công tác rà soát, phân loại các việc THA liên quan đến tổ chức TDNH cần được chú trọng, từ đó, tổ chức THA dứt điểm đối với các vụ việc có điều kiện THA.
Song, nỗ lực của riêng ngành THADS là chưa đủ. Các tổ chức TDNH cần thẩm định chặt chẽ hồ sơ vay vốn, khi nhận thế chấp cần cân nhắc nhận thế chấp cả tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đặc biệt, phải tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc rà soát và tổ chức THA, cung cấp đầy đủ các thông tin và tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
“Trường hợp tài sản không bán được, đề nghị ngân hàng và tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để đảm bảo THA. Bởi, hầu hết tài sản trong các vụ việc tồn đọng hiện nay đã kê biên, giảm giá nhiều lần không bán được”, ông Hùng đề xuất.
NGUYỄN VĂN TRANG