Hoài Nhơn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khai thác, thu mua, chế biến hải sản, huyện Hoài Nhơn đã tập trung đầu tư, phát triển khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Tam Quan Bắc.
Trên địa bàn huyện Hoài Nhơn hiện có 10 cơ sở đóng tàu.
- Trong ảnh: Hoạt động đóng mới và sửa chữa tàu cá tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan.
Đầu tư hạ tầng
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Hoài Nhơn đang sở hữu đội tàu cá lớn nhất tỉnh, với 2.268 tàu (gồm 2.091 tàu đánh bắt xa bờ), tổng công suất trên 1,1 triệu CV, và 20.000 lao động nghề biển; sản lượng khai thác trên 46.000 ngàn tấn/năm, riêng cá ngừ đại dương trên 9.000 tấn/năm. Toàn huyện hiện có 648 tổ đoàn kết khai thác trên biển. Hàng năm, kinh tế biển đóng góp 56,6% tổng ngân sách của huyện.
“UBND huyện tiếp tục xúc tiến xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương, làng nghề vi cước cá trải dài trên 6 xã biển của huyện”
Tuy nhiên, khu neo đậu tại cửa biển Tam Quan hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1.200 - 1.500 tàu công suất từ 90 CV trở lên. Trong khi đó, cửa biển Tam Quan bị bồi lấp, dù được nạo vét mỗi năm nhưng chưa thể khắc phục hoàn toàn, dẫn đến việc quá tải.
Xuất phát từ thực tế đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch 1/2000 cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan với diện tích 87 ha. Đầu năm 2018, huyện Hoài Nhơn triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 giai đoạn 1 với diện tích gần 30 ha gồm khu cảng cá loại 2; khu neo đậu, tránh trú bão; khu cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá… thuộc địa bàn thôn Dĩnh Thạnh và Tân Thành, xã Tam Quan Bắc.
Cũng trong năm nay, huyện Hoài Nhơn sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường từ QL 1A xuống khu Gò Dài (thôn Tân Thành), kinh phí đầu tư trên 40 tỉ đồng, tạo thuận lợi cho giao thông ra vào cảng cá Tam Quan.
Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg, ngư dân Hoài Nhơn đã đóng mới 17 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite, 8 tàu vỏ gỗ công suất trên 400 CV trở lên. “Nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân tăng lên, khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm bà con đóng mới khoảng 200 tàu cá công suất từ 250 CV trở lên, tàu công suất dưới 250 CV giảm. Huyện khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá chuyển từ vật liệu gỗ sang các vật liệu hiện đại như composite, thép; nâng cấp, cải hoán tàu công suất lớn để vươn khơi đánh bắt gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Công cho biết thêm.
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư, các cơ sở cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, ngư lưới cụ… trên địa bàn huyện cũng đang phát triển mạnh. Năm 2016, Ban Quản lý cảng cá Tam Quan được thành lập, thực hiện công tác quản lý khu cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão; quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá; đảm bảo an toàn cháy nổ. Đây là nơi cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tàu thuyền đánh bắt thủy sản, khu vực tiếp nhận, thu mua và tổ chức phân phối, tiêu thụ, bảo quản các sản phẩm thủy hải sản đánh bắt và nuôi trồng tại khu vực phía Bắc tỉnh.
Ông Nguyễn Chí Công cho biết thêm: “Cùng với việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng hiện đại, trong năm nay UBND huyện tiếp tục xúc tiến xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương, làng nghề vi cước cá trải dài trên 6 xã biển của huyện”.
THU DỊU