Tăng trưởng kinh tế 2017 của Việt Nam liệu có ảo?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 không ảo, nhưng xét về chất thì còn nhiều vấn đề.
Phát biểu tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư – kinh doan 2018” đang diễn ra tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 là thực. Nhưng xét về chất của tăng trưởng thì còn nhiều vấn đề cần đánh giá nghiêm túc.
Tăng trưởng vừa nhờ “cưỡng bức”, vừa nhờ sự nỗ lực tự thân
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “đánh giá về hiệu ứng 2017 và triển vọng gì cho năm 2018, chúng ta cần bàn nghiêm túc. Các số liệu, nhiều con số như số liệu tăng trưởng GDP năm vừa qua cao nhất trong 8 đến 9 năm trở lại đây, thậm chí quý III có sự nhảy vọt. Số danh nghiệp cũng ở mức cao kỷ lục.
Ông Thiên còn cho rằng, nhiều tờ báo rút về kết quả tăng trưởng năm 2017 là “kỳ tích”. “Dường như chúng ta hơi say sưa với thắng lợi. Tất nhiên với nỗ lực, xuất phát điểm thấp như đầu năm 2017, nhưng đến cuối năm kết quả vượt mục tiêu. Nhưng ở khía cạnh kinh tế, nên đánh giá bình tĩnh hơn. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm 2017. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là chất lượng của tăng trưởng, đó là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu nền kinh tế”.
Ông Thiên cho rằng, chất lượng của tăng trưởng GDP cũng cần bàn lại, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng cần bàn lại vì nó có liên quan đến cơ cấu. Có lẽ điều quan trọng hơn ở tăng trưởng GDP 6,81% là các động thái của tăng trưởng. Bởi trong đó có những cái là cưỡng bức thay đổi trở nên tích cực hơn, có những cái là chủ động thay đổi.
Phân tích rõ hơn nữa, ông Thiên nêu: Khái niệm chế biến chế tạo vẫn chủ yếu dừng lại ở gia công chứ chưa phải công nghệ cao. Chính phủ đã có nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh, thực sự làm và tạo được niềm tin và có hiệu ứng tích cực thực sự. Thủ tướng cũng khẳng định phải làm ráo riết làm, chứ buông tay một chút là không được. “Người ta nói “trên nóng dưới vẫn lạnh” nhưng thật ra ở dưới thực sự đang nóng dần lên”- ông Thiên nhấn mạnh.
Hơn nữa, đóng góp vào tăng trưởng tích cực năm vừa qua, theo PGS, TS Trần Đình Thiên, khu vực kinh tế tư nhân tự khẳng định được mình, chứ không cần phải tuyên ngôn có tính chất văn kiện. Kinh tế tư nhân từ lâu đã quan trọng rồi nhưng năm 2017 thể hiện rất nhiều, đặc biệt là vốn tư nhân thay được vốn đầu tư công chậm. Đầu tư tư nhân năm vừa qua đã thực sự rất tốt. Vai trò tư nhân đã thay được nhiều cái trong khối nhà nước.
Ông Thiên dẫn ví dụ, Sun Group làm sân bay ở Quảng Ninh trong vòng 18 tháng và tháng 6 sẽ khai trương đường bay. Tuy nhiên, nếu Nhà nước làm thì sẽ mất 15-20 năm. Ví dụ khác, như tại Phú Quốc hay TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đóng góp tư nhân mang tính quyết định. Không thể phủ nhận là 2 khu vực nội địa và nước ngoài đã giúp xếp hạng Việt Nam tăng lên. Tôi cho rằng đây là xếp hạng thực chất.
Đánh giá chỉ số năm 2017, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng cho rằng, con số là thực chất. Kết quả phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của tất cả các nhân tố thành viên tham gia nền kinh tế, từ tạo lập chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp...
“Những lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chứng kiến các chuyên viên thực hiện, tôi khẳng định các công thức này chuẩn xác, không cần hoài nghi, phần còn lại là số liệu đầu vào có chuẩn hay không. Tôi thấy con số địa phương cũng khá sát. Ví dụ như Hà Nội - khu vực đầu tàu có mức tăng trưởng trên 7% là con số khá chính xác. Nền kinh tế có động lực lớn do bộ máy chính trị từ Đảng, Nhà nước cho đến Chính phủ đều đã và đang thực hiện đúng những cam kết của mình, trong đó cam kết quan trọng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạch, minh bạch, chống tham nhũng.”- ông Đông nhấn mạnh.
Hàng loạt thách thức cho 2018
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, năm vừa qua Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền nhưng không dễ dàng khi áp dụng vào thực tế. Cần bàn lại Luật Đặc khu để ban hành trong tháng 5 này, khi đó sẽ có tác động mở cửa, đột phá mạnh nhất. Cần có các nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ngân hàng. Đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018, mang đến những chỉ tiêu thành tích.
Tuy nhiên, cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được. Doanh nghiệp trong nước có nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu, đang cần cải cách. Kinh tế tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết. Ngành tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán bùng lên nhưng nền tảng cấu trúc tài chính ngân hàng còn yếu.
Năm 2018 còn rất nhiều việc phải làm. Không nên ru ngủ với thành quả 2017, nhưng khi các con số thống kê là xác thực thì ta phải tự tin để tiếp tục phát huy thành quả. Về năm 2018, nên đặt tiếp vấn đề nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào sắp tới. Cần nhận diện và có cảnh báo rủi ro cụ thể là gì để Chính phủ có những biện pháp xử lý kiểm soát rủi ro đó."- ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT.
Chuyện đó là bình thường nhưng là thách thức lớn cho 2018 chứ không phải dễ dàng. Chúng ta họp quá nhiều, vẫn bàn đặc khu có hội đồng nhân dân không, hay chỉ cần đặc khu thôi, đất cát cho thuê bao nhiêu năm thì thích hợp, 99 năm hay chỉ 55 năm thôi. Tôi cũng muốn nói, vẫn có vấn đề khi ông sẵn sàng chịu khuyết điểm đột phá để làm. Người ngồi im có khi lại thăng tiến.”- ông Thiên nói.
Chỉ rõ hơn các thách thức cho năm 2018, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, nguồn nhân lực, cấu trúc tương lai nền kinh tế chưa có gì. Một số biểu đồ cho thấy gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chi phí logistics cao (18% của GDP, thậm chí có nghiên cứu cho rằng hơn 21%, trong khi trung bình thế giới chỉ là 11% GDP). Nhưng để giảm chi phí này đối với Việt Nam không hề dễ dàng.
Đánh giá việc cắt giảm điều kiện kinh doanh rầm rộ vừa qua, ông Thiên cho rằng, đơn cử Bộ Công Thương, tác giả của 675 thủ tục mới chỉ đề xuất giảm, còn chưa giảm được vì phải chờ Thủ tướng quyết định. Cho nên “tác động thực sự của việc cắt giảm thủ tục trong năm 2018 như thế nào chúng ta còn phải chờ xem”.
Một con số đáng giật mình, đáng lo, theo ông Thiên, năm 2010 có 70% doanh nghiệp đóng thuế thu nhập, nhưng tới năm 2017 chỉ còn là 30% (!?).
Vì thế, quan điểm của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là dự báo năm 2018 có thể tích cực, con số rất cao nếu cứ chiểu theo nhưng con số động lực từ năm 2017 (do FDI, đầu tư tư nhân tăng cao...). Nhưng kinh nghiệm giải ngân chậm năm 2017 là bài học của Chính phủ./.
Theo Hà Trần (VOV.VN)