Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy từ các phiên tòa:
Nâng cao nhận thức , cảnh giác với tội phạm
Gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Số vụ, số đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy và số người nghiện có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng trên, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các tụ điểm ma túy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ma túy qua các phiên tòa được đẩy mạnh.
Cảnh báo cho cộng đồng
Những ngày cuối của năm 2017, mưa lạnh không ngớt, nhưng nhiều người vẫn đến dự phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Lê Thành Lâm (SN 1993, ở TP Hồ Chí Minh), Bùi Văn Lợi (SN 1995) và Phan Ngọc Thỉm (SN 1993, cùng ở TP Quy Nhơn) về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Để có ma túy sử dụng và bán kiếm lời, từ ngày 25.7.2017 đến 8.8.2017, Lâm đã thực hiện hành vi mua 10,943 gam ma túy đá đem bán cho Lợi và Thỉm. Mua được ma túy của Lâm, Lợi sử dụng 1 phần còn lại đem bán cho người khác; còn Thỉm là đối tượng nghiện. Thỉm còn giúp Lợi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho Lâm để mua ma túy về bán; đồng thời trực tiếp 3 lần đi lấy ma túy đem về cho Lợi chia nhỏ bán và tham gia đi bán 2 lần. Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận biết rõ việc mua bán, tàng trữ chất ma túy là phạm pháp, nhưng vì nhu cầu sử dụng nên đã “đánh cược” cuộc sống của mình. Với hành vi này, HĐXX đã tuyên phạt Lâm 7 năm tù giam, Lợi và Thỉm mỗi bị cáo 6 năm tù giam.
Theo thống kê của CA tỉnh, năm 2017, ngành chức năng đã khởi tố 31 vụ, 55 bị can, xử phạt 218 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 142 trường hợp so với năm 2016.
Dù đã 80 tuổi nhưng bà Trần Thị Biên (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) vẫn bảo người nhà đưa tới tham dự phiên tòa lưu động xét xử vụ án liên quan đến ma túy ở UBND phường. Bà Biên có một đứa cháu đã nghiện ma túy. Nên cứ nhắc đến ma túy, bà có một nỗi ác cảm sâu sắc. Cũng vì thế, bà hay nói chuyện, tuyên truyền cho mọi người về tác hại của ma túy, nhất là thanh niên, để không ai phải nhận lấy kết cục như cháu trai của bà.
Nâng cao nhận thức, cảnh giác với tội phạm
Các vụ án được TAND 2 cấp chọn xét xử công khai hoặc được tổ chức lưu động tại nơi xảy ra vụ án, hoặc nơi bị cáo sinh sống là chủ yếu có tội danh, hành vi phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy. Khi tòa xét xử, phần cáo trạng được phân tích cụ thể để bà con nhân dân tham dự biết được các thủ đoạn của tội phạm ma túy. Hơn nữa, thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, HĐXX chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy để nhiều người cùng hiểu và rút ra bài học trong việc giáo dục con em mình biết cách ứng xử với những tình huống tiêu cực trong cuộc sống, phòng tránh những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Từ đó, nhận thức, hiểu biết và tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm ma túy của người dân được nâng lên. Đây là một trong những biện pháp tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở cơ sở có hiệu quả trực tiếp.
Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thanh Trà, cho rằng, ngoài việc phân tích các thủ đoạn của tội phạm ma túy thông qua việc xét hỏi tại tòa, HĐXX còn nêu ra những tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người, tới người thân trong gia đình và cộng đồng nên dễ đi vào lòng người. Đồng thời, khi làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, thì hiệu quả tuyên truyền cao hơn. Ngoài ra, những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội được tuyên trong các phiên tòa đã cơ bản đạt được mục đích trừng trị thích đáng kẻ phạm tội nói chung và hành vi gieo rắc cái chết trắng nói riêng. Bên cạnh đó, thông qua những tình tiết liên quan đến một hoặc một nhóm đối tượng cụ thể, có sự tham dự của luật sư, nhân chứng… sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn những quy định, thấy được sự nghiêm minh của pháp luật, từ đó tích cực tham gia tố giác tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy.
K.ANH