NGHỀ ĐÓNG TÀU CÁ VỎ GỖ:
Khó khăn vì thiếu nguyên liệu
Trong vài năm gần đây, nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu cá của ngư dân tăng cao, song các cơ sở đóng tàu phải đối diện với nguy cơ khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu.
Giá gỗ nguyên liệu tăng cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đóng mới một chiếc tàu cá công suất lớn, chiều dài từ 22 - 24 m thì cần khoảng 120 - 150 m3 gỗ, với các loại gỗ như: sao, sến mủ, kiền kiền, chò, sầm ná, bằng lin… Trong đó, loại gỗ sao và sến thường được ngư dân ưa chuộng vì bền, không bám hà. Giá các loại gỗ sao, sến mủ hiện đã tăng từ 25 - 27 triệu đồng/m3, các loại gỗ khác tăng từ 12 - 15 triệu đồng/m3. Giá tăng cao, song để mua được gỗ nguyên liệu đóng tàu cũng không đơn giản.
Đang trông coi con tàu vỏ gỗ của mình được đóng tại xã Tam Quan Bắc, ông Nguyễn Văn Hương, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: “Tùy theo giá cả mà quyết định chất lượng con tàu. Tôi thích đóng tàu tại Bình Định vì chất lượng tốt, giá cả cũng không cao. Nếu đóng bằng các loại gỗ như: sến mủ, sao… tuy tốn nhiều tiền nhưng tuổi thọ con tàu cao, có thể sử dụng trên 30 năm. Tuy nhiên, gỗ tốt mà đúng quy cách hiện nay rất hiếm, khó mua”.
“Nguyên nhân khan hiếm nguồn nguyên liệu gỗ đóng tàu là do trước đây gỗ chủ yếu nhập về từ Lào và một số nước Ðông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Campuchia… và một số ít từ trong nước. Năm 2016, Chính phủ Lào đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu và cấm cấp hạn mức xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chưa thành phẩm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có lệnh “đóng cửa rừng tự nhiên”, ông Trần Văn Phúc cho biết.
Việc thiếu nguồn gỗ đóng tàu chẳng những gây khó khăn cho ngư dân và các chủ cơ sở đóng tàu, mà còn có thể làm giảm chất lượng của các con tàu được đóng mới. Ông Huỳnh Ngọc Tiền, một chủ thầu đóng tàu vỏ gỗ ở TP Quy Nhơn, cho hay: “Loại gỗ đóng tàu hiện nay được nhập về từ Nam Phi, nhưng về chất lượng gỗ thì chưa biết được. Gỗ được nhập về, ngư dân thường chọn theo thị hiếu, nhìn sớ gỗ để đặt hàng đóng tàu”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Gỗ trong nước thì không còn nên hiện nay các cơ sở đóng tàu đều sử dụng nguồn gỗ nhập về từ Nam Phi, giá cả cũng không đắt lắm. Tàu cá vỏ gỗ của ngư dân trong tỉnh đóng ở Xí nghiệp chiếm 70%, còn lại là đóng theo đơn đặt hàng của ngư dân Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi…”
Khuyến khích dùng nguyên liệu mới
Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở đóng tàu được Bộ NN&PTNT cấp phép đủ điều kiện đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ. Số lượng tàu đóng mới hằng năm trung bình khoảng từ 200 - 300 chiếc. Ngoài đóng tàu cho ngư dân trong tỉnh, các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ cũng nhận đóng tàu cho ngư dân ngoài tỉnh, nên nhu cầu gỗ là rất lớn.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “UBND tỉnh đã cho phép Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn thành lập cơ sở đóng tàu vỏ thép tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan. Cơ sở đã đi vào hoạt động. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền ngư dân đóng tàu vỏ thép, vỏ composite để thay thế cho tàu vỏ gỗ”.
Theo giới chuyên môn, giải pháp đóng tàu bằng vật liệu mới là tối ưu nhất trong tình hình khan hiếm nguyên liệu gỗ như hiện nay. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Năm 2017, toàn tỉnh có 223 tàu cá vỏ gỗ đóng mới, giảm 48% so với năm 2016; có 237 tàu cá cải hoán vỏ và máy, giảm 43,6%. Do nguồn gỗ nguyên liệu khan hiếm dẫn đến giá gỗ tăng, giá đóng tàu vỏ gỗ cũng tăng trên 25% so với trước đây nên nhiều cơ sở đóng tàu và ngư dân trong tỉnh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc đóng mới, cải hoán tàu cá.
Cũng theo ông Phúc, Sở NN&PTNT khuyến khích ngư dân đóng tàu bằng nguyên liệu mới, thay thế gỗ. Nhà nước có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ ngư dân về vay vốn theo Nghị định 67/CP, hỗ trợ vốn đối ứng, lãi suất, thời hạn vay vốn… để đóng tàu bằng nguyên liệu mới, như vỏ thép, vỏ composite… Đây cũng là biện pháp để bảo vệ rừng.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN