Từ liveshow bài chòi của Hoàng Việt
Liveshow “Hoàng Việt và nghệ thuật bài chòi dân gian” diễn ra tối 2.1 tại sân khấu Hội quán Văn hóa - Du lịch (Quy Nhơn) là một liveshow đặc biệt. Bởi lẽ, đó là liveshow đầu tiên về nghệ thuật bài chòi dân gian do một cá nhân nghệ nhân tự bỏ tiền túi tổ chức.
Còn nhớ, cuối ngày 7.12.2017, khi “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trên facebook cá nhân, bên cạnh những tự hào, hân hoan như nhiều người Bình Định khác, nghệ sĩ Hoàng Việt “phát tín hiệu”: “Sao tui muốn làm một liveshow về bài chòi quá!”. Tưởng anh nói chơi, ai dè làm thiệt.
Một tình yêu với bài chòi
Và anh làm thật rốt ráo, chương trình đầy đặn, phong phú, sinh động hệt như vốn am hiểu về văn hóa thật sâu và lối diễn thật hoạt ở anh.
Tiếng là liveshow về Hoàng Việt và bài chòi, nhưng đối tượng tôn vinh chính xuyên suốt vẫn là di sản bài chòi dân gian. Câu chuyện về cá nhân nghệ nhân với di sản chỉ gói ghém qua phần giao lưu ngắn giữa MC và Hoàng Việt - nói về cơ duyên của một “con nhà nòi hát bội” đến với bài chòi; kỷ niệm trong quá trình hoạt động; chuyện sưu tầm, sáng tác câu thai, các vở, lớp bài chòi… Suốt chương trình, Hoàng Việt hô, hát, diễn bài chòi cùng những nghệ nhân khác: Minh Đức, Nguyễn Phú, Quý Nhất. Thứ tự các tiết mục cũng khéo léo giới thiệu về đường đi của di sản: từ lược sử ra đời, các hình thức thể hiện gắn với tiến trình phát triển: bài chòi hội, bài chòi trải chiếu hay kể, lớp hay bài chòi độc diễn… Một liveshow nhưng nghệ sĩ ý nhị ẩn mình, khiến chương trình ấm cúng, tự nhiên.
Để chia sẻ chi phí với Hoàng Việt, liveshow trên được 2 đơn vị là Trung tâm Văn hóa tỉnh và Hội quán Văn hóa - Du lịch hỗ trợ về một số khoản như sân khấu, âm thanh, in ấn và phát hành giấy mời, poster về chương trình…
Cần thêm nhiều hoạt động tôn vinh nối tiếp
Vậy là đời sống văn hóa trong tỉnh năm 2018 đã “mở màn” bằng một sự kiện ấm cúng như thế. Ý nghĩa hơn, liveshow này rất có thể sẽ tạo ra một tiền lệ đẹp về sự chủ động, thiết thực đóng góp của nghệ nhân, của chủ thể di sản ở hậu thế hôm nay đối với di sản cha ông để lại.
Chợt nghĩ, Bình Định có hẳn 1 đoàn bài chòi sân khấu chuyên nghiệp công lập với đội ngũ hơn 30 diễn viên; ngoài ra còn cả 28 CLB bài chòi dân gian với 176 nghệ nhân (theo thống kê của Sở VH&TT). Với lực lượng hùng hậu nhường này, nếu chung tay, cùng đóng góp về chuyên môn và ý tưởng để tổ chức, không chỉ 1 liveshow như vừa mới diễn ra mà có thể sẽ có cả chuỗi chương trình nghệ thuật bài chòi nhân sự kiện di sản này được thế giới tôn vinh. Mà rất có thể sẽ còn tiếp tục lan từ Quy Nhơn ra Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn - những địa phương nổi bật trong công tác bảo tồn, phát huy bài chòi những năm qua?
Được biết, sự kiện đón nhận danh hiệu mới của bài chòi sẽ được Bình Định và những tỉnh miền Trung có chung di sản tổ chức (dự kiến tháng 3.2018). Trong khi đợi lễ đón chính thức được tổ chức, ngay từ bây giờ, nhân việc bài chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại còn đang “nóng”, mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân, đơn vị từ công lập đến tư nhân, cá nhân người dân… có thể thể hiện tình yêu, lòng tự hào, mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy di sản bằng cách của riêng mình. Một chuỗi chương trình bài chòi, được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, trên phạm vi cả tỉnh từ thành thị đến nông thôn, kéo dài từ trước đến sau Tết Nguyên đán 2018. Sao lại không nhỉ?
SAO LY