VỤ KHIẾU NẠI CỦA NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND THỊ TRẤN NGÔ MÂY (PHÙ CÁT):
Chỉ đạo giải quyết dứt điểm
Ông Thái Minh Hồng (54 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây, liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng khiếu nại việc UBND thị trấn Ngô Mây và huyện Phù Cát không giải quyết chế độ chính sách cho ông theo đúng quy định. Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành 6 văn bản liên tiếp (văn bản mới nhất ngày 11.12.2017), chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Phù Cát giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại của ông Hồng.
Theo đơn trình bày của ông Thái Minh Hồng: Từ tháng 6.2008 đến tháng 2.2011, ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây, tuy nhiên giai đoạn năm 2008 - 2009, ông để xảy ra một số khuyết điểm, sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngày 17.3.2011, ông Hồng có đơn xin rút khỏi chức danh Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây và được Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho thôi giữ chức vụ kể từ ngày 21.3.2011.
Trước đó, ngày 11.3.2011, Đảng ủy thị trấn Ngô Mây có Thông báo số 13-TB/ĐU phân công ông Hồng làm công tác trực Đảng và được bảo lưu đầy đủ các chế độ chính sách mà ông đang hưởng. Ngày 2.12.2011, Huyện ủy Phù Cát ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Hồng bằng hình thức cách chức Đảng ủy viên thị trấn Ngô Mây.
Trước khi bị cách chức Đảng ủy viên, ông Hồng được Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Ngô Mây mời làm việc xung quanh nội dung dự kiến bố trí, sắp xếp ông giữ chức Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy thị trấn. Ông Hồng không đồng ý và trình bày nguyện vọng bản thân để được Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông không được chấp nhận.
Ông Hồng cho biết: “Chức danh Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy thị trấn là chức danh dành cho cán bộ không chuyên trách, không thuộc biên chế theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, trước thời điểm tháng 12.2011, tôi là cán bộ chuyên trách thuộc UBND thị trấn Ngô Mây; từ năm 2005 đã hưởng mức lương 2,85 và chế độ đóng BHXH tương ứng. Nếu bố trí tôi giữ chức Phó Ban Tuyên giáo thị trấn thì chế độ tiền lương, BHXH sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Do vậy, tôi xin được nghỉ và hưởng chế độ theo quy định, bởi tính đến tháng 12.2011, tôi đã có 23 năm tham gia BHXH. Thế nhưng, nguyện vọng của tôi bị UBND thị trấn Ngô Mây và huyện Phù Cát “treo” từ đó cho đến nay”.
Trong khi đó, tại văn bản số 740/UBND-NV ngày 3.9.2015, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho rằng: Sau khi thôi giữ chức Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây (tháng 3.2011) và bị cách chức Đảng ủy viên (tháng 12.2011), ông Hồng không còn giữ chức vụ gì trong bộ máy tổ chức của Đảng ủy và UBND thị trấn Ngô Mây. Ngoài ra, ông Hồng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được xét chuyển thành công chức theo các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Đảng ủy thị trấn Ngô Mây đã phân công ông Hồng thực hiện nhiệm vụ Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy, cán bộ văn hóa - thông tin - gia đình nhưng ông không nhận nhiệm vụ. Do đó, việc Đảng ủy, UBND thị trấn Ngô Mây thôi trả lương và không đóng BHXH cho ông Hồng từ thời điểm tháng 12.2011 là đúng.
Ông Hồng không “tâm phục, khẩu phục” nên tiếp tục khiếu nại. Ông cho rằng: “Điều 30, Điều 31, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Đằng này, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát không tổ chức đối thoại với tôi, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ trả lời bằng văn bản dựa vào báo cáo của UBND thị trấn Ngô Mây và Phòng Nội vụ. Giải quyết như vậy là chưa khách quan và không đúng với các quy định của Luật Khiếu nại hiện hành”.
Ông Võ Hữu Trí, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phù Cát, cho biết: “Nội dung trả lời tại văn bản số 740/UBND-NV là hoàn toàn chính xác, chỉ có điều về hình thức chưa đúng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Tới đây, Phòng Nội vụ sẽ báo cáo để UBND huyện xem xét, tổ chức đối thoại với ông Hồng và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định pháp luật để có thể sớm xử lý dứt điểm vụ việc”.
CÔNG LUẬN
Kính gửi Báo Bình Đinh! Gia đình tôi nằm ở số 24 Đặng Thành Chơn, TT. Tăng Bạt Hổ, H. Hoài Ân, T. Bình Định. Theo Quyết Định 2432/QĐ-UBND tỉnh ngày 12/07/2016 về việc "Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ ĐT.630 đoạn từ Quốc lộ 1A - Ngã Ba Kim Sơn" và đã được Báo Bình Định đăng bài "Phát triển hạ tầng giao thông ở Hoài Ân: Đoàn bẩy giảm nghèo" ngày 17/12/2017. Nhưng bên cạnh mặc tích cực của dự án, gia đình chúng tôi cho rằng còn có mặt tiêu cực của dự án. Cụ thể, căn cứ vào Quyết Định 2432/QĐ-UBND thì đoạn đường của dự án là từ "Quốc Lộ 1A- Ngã Ba Kim Sơn" nhưng thửa đất của gia đình chúng tôi nằm ở vị trí: "Gọi đoạn đường dự án là đoạn có 02 điềm đầu và cuối là A, D dài 23 KM. Trên đoạn A,D có 02 điềm C, B nẳm trên đoạn A,D. Nhà chúng tôi nằm ở điểm E và vuông góc với Đoạn AD một khoản cách vuông góc là 600 m và nối với hai điểm C, E là một con đường mới CE". Vậy chúng tôi xin hỏi Báo Bình Định : 1. Việc làm đoạn đường CE của UBND huyện Hoài Ân có đúng với Quyết Định 2432/QĐ-UBND tỉnh ?. 2. Việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ có đúng mục đích? 3. Việc UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định thu hồi đất : đất trồng lúa 11 ha và đất của các hộ gia đình trên tuyến đường CE nhưng không gửi thông báo thu hồi đất cho từng hộ gia đình có đất bị thu hồi là như vậy đã đúng với Quy định 96 của Luật đất đai. 4. Việc ban hành Quyết định thu hồi đất nhưng khu tái định cư vẫn chua hoàn thiện về mặt bằng, hệ thống điện nước không có thì có tuân thủ pháp luật? 5. Việc bồi thường của UBND huyện áp dụng đơn giá từ 2013 cho Quyết định 2016 thì có phù hợp với Quy Định pháp luật. 6. Việc thu hồi đất ruộng để lập khu tái định cư nhằm bán đất có phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước? Gia đình chúng tôi kính gửi Báo Bình Định làm rõ giúp các vấn đề cho những người dân được biết. Cám ơn Báo Bình Định nếu như vấn đề của người dân được quan tâm.