Ứng phó với “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam: Việc làm cấp thiết
Việc Liên minh châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân và DN thủy sản Bình Ðịnh. Do vậy, triển khai các biện pháp ứng phó với cảnh báo của EU là việc làm cấp thiết.
Công ty CP thủy sản Bình Định lựa chọn cá ngừ đại dương để xuất khẩu. Ảnh: T.Sỹ
DN và ngư dân sẽ bị ảnh hưởng
Theo Bộ NN&PTNT, lý do Liên minh châu Âu (EU) rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam chủ yếu là do hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) của nước ta còn nhiều vi phạm về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Đến tháng 4.2018, Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cũng như quy định IUU, không chỉ ngành thủy sản Việt Nam bị “thẻ đỏ” cấm xuất khẩu vào EU mà còn ảnh hưởng rất lớn đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.
Ông Trần Kim Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Việc EU cảnh cáo ngành thủy sản Việt Nam sẽ tác động đến hoạt động khai thác và xuất khẩu thủy sản của tỉnh ta. Thực tế cho thấy, tỉnh ta có đội tàu KTTS xa bờ lớn, nhưng tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước trong khu vực để KTTS trái phép dẫn đến việc ngư dân không bật thiết bị giám sát hành trình, không ghi chép và nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho cơ quan chức năng theo quy định vẫn còn nhiều.
Các DN xuất khẩu thủy sản của tỉnh cũng sẽ bị thiệt hại lớn khi EU cảnh cáo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, nhìn nhận: Khi EU cảnh cáo “thẻ vàng”, hoạt động xuất khẩu thủy sản qua khu vực này sẽ giảm, thậm chí họ sẽ ngừng mua hàng do e ngại bị phạt theo quy định IUU. Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng thủy sản xuất khẩu của DN Việt Nam nói chung, DN tỉnh ta nói riêng, trong đó có sản phẩm của chúng tôi sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm sau khai thác, dẫn đến chi phí và thời gian lưu giữ hàng hóa tại cảng tăng thêm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Ứng phó với “thẻ vàng” của EU
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng UBND các huyện, thành phố ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và quy định IUU để ngư dân và các DN biết. Bên cạnh đó, tổ chức cho 100% chủ tàu cá ký cam kết tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản và quy định IUU; bắt buộc chủ tàu cá KTTS xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định; bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 giờ và kết nối với các Trạm bờ của Chi cục Thủy sản tỉnh. Kiên quyết không cho các tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị, số lượng người theo quy định và không thực hiện đúng các quy định IUU.
Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật thủy sản, nhất là đối với các chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác. Tăng cường công tác quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác. Xây dựng mô hình quản lý cảng cá đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; bố trí lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản thường trực tại các cảng cá để phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác, báo cáo KTTS; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác...
PHẠM TIẾN SỸ