Khôi phục đà tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), trong bối cảnh các thị trường truyền thống đã gần như bão hòa, sức tiêu thụ giảm, thì việc doanh nghiệp tăng cường khai thác thị trường Trung Đông là một hướng đi chiến lược và có ý nghĩa quan trọng về lâu dài.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông đã khôi phục lại đà tăng trưởng và cả năm 2017 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với mức 10,9 tỷ USD của năm 2016. Đáng lưu ý là xuất siêu trong năm 2017 tiếp tục được duy trì ở mức khá cao và đạt 6,4 tỷ USD.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 11,98% so với năm 2016. Tính cả năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu sang toàn bộ khu vực Trung Đông đã đạt 9,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này tập trung vào các nhóm hàng như điện thoại di động, máy tính và linh kiện điện tử; hàng thủy sản, giày dép các loại, dệt may, xơ sợi dệt, gạo, hạt tiêu; gỗ và sản phẩm gỗ; hạt điều, cao su tự nhiên, rau quả, cà phê. Ngoài ra, một số mặt hàng như chè, sản phẩm sắt thép... tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt kim ngạch khá lớn. Riêng với kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng ổn định và tiếp tục được kiểm soát tốt. Trị giá nhập khẩu từ các thị trường chính đạt 2,85 tỷ USD, tăng 3,16% so với năm 2016. Tính cả năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu từ toàn bộ khu vực Trung Đông đạt 3,2 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Đông là nguyên nhiên vật liệu và sản phẩm đầu vào để phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước như chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, thức ăn gia súc... Bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, cho biết trong một thời gian dài, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam quá tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản... mà gần như bỏ quên thị trường Trung Đông. Đây là thị trường có sức mua lớn, tương đối dễ tính và rất phù hợp với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Trung Đông hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, song lại là thị trường thường có tình hình chính trị an ninh bất ổn. Ngoài ra, yếu tố văn hóa Hồi giáo là đặc thù của khu vực Trung Đông thông thường sử dụng ngôn ngữ bản địa là tiếng Arab thay vì tiếng Anh cũng là những khác biệt mà doanh nghiệp còn chưa nắm bắt rõ. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng vẫn còn tâm lý e ngại trong giao dịch, tìm hiểu đối tác tại các thị trường này. Đồng thời, chưa thực sự có chiến lược và kế hoạch chuẩn bị lâu dài, bài bản, cả về hàng hóa cũng như lộ trình xâm nhập thị trường. Đây những trở ngại chính của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường này. Theo khuyến cáo của các chuyên gia thương mại, khi làm việc với các doanh nghiệp Trung Đông, các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức lưu ý trong việc thanh toán và doanh nghiệp Việt cần đưa ra các mức % đặt cọc để đảm bảo an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 30% trở lên). Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng nên đề nghị đối tác sử dụng cam kết thanh toán của ngân hàng (L/C) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Doanh nghiệp Việt cũng không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán. Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thị trường châu Phi-Tây Á-Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch xâm nhập thị trường lâu dài, ổn định thông qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ xuất-nhập khẩu có năng lực, có khả năng nghiên cứu, hiểu biết về văn hóa và tập quán kinh doanh của khu vực Arab Hồi giáo, biết tiếng Arab, đánh giá và tiếp cận thị trường tốt. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lê Thái Hòa cũng cho hay, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Trung Đông từ nay đến 2025. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện để ban hành chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, Bộ cũng thường xuyên có những hoạt động triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động nghiên cứu và định hướng cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Đông. Đồng thời, chỉ đạo các Thương vụ ở khu vực bám sát thị trường, nắm bắt cơ hội giao thương, cung cấp các thông tin giao thương và nhu cầu nhập khẩu cụ thể, bước đầu tổ chức các sự kiện hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu hàng hóa Việt Nam nhằm tiếp cận trực tiếp một số chuỗi hệ thống các siêu thị phân phối ở các thị trường này./.
Theo UYÊN HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)