GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH TỪ BẢO TÀNG, DI TÍCH:
Cách làm hay cần nhân rộng
Dạy lịch sử hay nói rộng hơn là giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua bảo tàng (di tích, nhà truyền thống, nhà lưu niệm...) là cách làm mang lại hiệu quả tích cực đã được một số đơn vị của 2 ngành văn hóa và giáo dục trong tỉnh thực hiện.
Từ những điển hình
Những năm gần đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nỗ lực đáng ghi nhận trong chủ động thu hút khách tham quan là ĐVTN, học sinh địa phương, qua đó, thiết thực đóng góp vào việc tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong đó, được xác định tổ chức dài hơi nhất là chương trình “Tiết học lịch sử” (phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn).
Có 10 chủ đề phù hợp với chương trình học lịch sử của học sinh và phù hợp với nội dung trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để các trường lựa chọn. Với việc học theo chủ đề, học sinh không mất thời gian, bị phân tán vào việc tham quan hết các khu vực trưng bày mà tập trung nghe thuyết minh, xem hiện vật về chủ đề đã chọn.
Trực tiếp đưa học sinh trường mình tham gia hoạt động ngoại khóa bổ ích trên, cô giáo dạy Lịch sử Huỳnh Thị Mỹ Hòa, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), cho biết, đa số học sinh hứng thú với hoạt động, chủ động chuẩn bị về chủ đề sẽ học. Các em còn kiến nghị được bố trí bàn để tiện ghi chép, cá biệt có vài học sinh tự nguyện viết những dạng bài thu hoạch, cảm nghĩ về tiết học hoặc về chuyến đi đến bảo tàng...
Tại TX An Nhơn, do Nhà truyền thống xuống cấp, diện tích nhỏ, không đủ điều kiện để tổ chức trưng bày, phục vụ tham quan, Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn đã linh hoạt “đưa bảo tàng về trường học”. Hoạt động trên bắt đầu từ dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5.2014) - trưng bày hàng trăm hình ảnh về sự kiện và thuyết minh, qua gần 30 điểm trường THCS trên địa bàn thị xã, mỗi điểm 3 ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, phụ trách công tác bảo tàng ở Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, từ đó đến nay, đơn vị tiếp tục thường xuyên tổ chức nhiều đợt trưng bày khác, về nhiều chủ đề. Trong năm 2017, đơn vị đã trưng bày 3 đợt về chủ đề chủ quyền biển đảo tại 3 điểm trường là THPT An Nhơn 1, 2 và 3.
“Tháng 10.2016 khi Nhà lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh được xây dựng khang trang, đi vào hoạt động, chúng tôi mới có điều kiện quay lại với hoạt động “đưa học sinh đến bảo tàng”. Tuy vậy, chúng tôi xác định duy trì hoạt động trưng bày lưu động, vì ưu điểm là không chỉ giới hạn số lượng học sinh đến bảo tàng mới được tìm hiểu mà có thể là toàn thể học sinh, giáo viên trong trường, thậm chí người dân xung quanh quan tâm vẫn đến xem, hiệu quả rộng hơn”, bà Hằng cho biết.
Trách nhiệm chung
Theo Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bùi Tĩnh, có gần 40 trường THCS và tiểu học ở Quy Nhơn đăng ký tham gia hoạt động trên; nhiều trường sau khi tổ chức đưa học sinh đến học 1 - 2 tiết, đã chủ động đăng ký thêm. Trong năm 2017, đơn vị đã phục vụ cho 20 trường với 50 tiết và tổng số học sinh tham gia trên 2.220 em. Trường THCS Lê Hồng Phong là trường tham gia “Tiết học lịch sử” nhiều nhất: 10 tiết, 437 học sinh. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong Nguyễn Thị Kim Anh cho hay, hầu hết học sinh hứng thú, các giáo viên lịch sử cùng tham gia cũng phản hồi tích cực về hiệu quả của hoạt động, điều đó khích lệ nhà trường duy trì và phát triển hoạt động này.
Với hệ thống di tích phong phú, đa dạng cùng nhiều bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm..., tỉnh Bình Định có nhiều cơ hội để tổ chức hiệu quả hoạt động gắn kết bảo tàng, di tích với trường học, tăng cường giáo dục truyền thống cho học sinh. Và việc góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ cũng như bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc... là trách nhiệm chung của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị. Việc phối hợp này không chỉ đóng khung trong 2 hay 3 ngành liên quan nhất là văn hóa, giáo dục, tổ chức đoàn thanh niên. Mỗi đơn vị, địa phương cần phát huy sự chủ động, sáng tạo, kêu gọi tinh thần cộng đồng trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân và chú ý huy động xã hội hóa cho hoạt động này.
SAO LY