96% lô sản phẩm, hàng hóa được chuyển sang hậu kiểm
96% lô sản phẩm, hàng hóa chuyển sang hậu kiểm, giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 1 ngày.
91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) quản lý, tương ứng 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 1 ngày.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Bộ KHCN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự.
Năm 2017, Bộ KHCN cũng dẫn đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
KHCN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống của Việt Nam. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới...
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương nhận định, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua, khi Việt Nam đạt 13/13 chỉ tiêu phát triển cơ bản, trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt mức ấn tượng như xuất khẩu, dự trữ ngoại hối...
GS.TS Phùng Hữu Phú cũng đề nghị trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tổ chức đối thoại với các nhà khoa học và nhà giáo. Bởi vì, để doanh nghiệp có thể thực hiện vai trò trung tâm của đổi mới sáng tạo, điều kiện bắt buộc là phải gắn bó chặt chẽ với khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Khi nhà khoa học, nhà giáo dục đào tạo và doanh nghiệp nắm tay đồng hành với nhau, dưới sự chỉ huy của một "nhạc trưởng" có tâm, có tầm, thì không có lý do gì đất nước không cất cánh nhanh và bền vững hơn.
Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế tự chủ, cởi trói cho khoa học, phát huy quyền tự chủ.
Đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ được phân công với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Theo Vân Anh (VOV.VN)