Một người Đức yêu văn hóa Việt
Tối 1.9, trong chương trình văn nghệ chào mừng Quốc khánh 2.9 và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ Hương Biển tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, tiết mục được tán thưởng nhất là bài hát “Tình ca Tây Bắc” do một người đàn ông ngoại quốc thể hiện. Ðó là Wiegand Rolf, 64 tuổi, thành viên CLB văn nghệ Hương Biển.
Tình yêu quá lớn với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam là lý do khiến Wiegand Rolf chọn Quy Nhơn làm “bến đỗ”. Hơn 4 năm sống ở Quy Nhơn, từ một khán giả lặng lẽ, nhiệt thành, Wiegand Rolf hăng hái tham gia vào một CLB văn nghệ quần chúng, sinh hoạt văn nghệ với những bạn bè bản xứ. Trong phần lớn cuộc đời của người công dân Đức này, Việt Nam luôn chiếm một vị trí đặc biệt.
Mối nhân duyên với Việt Nam
Mối quan hệ gắn bó với Việt Nam của Wiegand Rolf bắt đầu từ năm 1971, khi Rolf 23 tuổi, là giáo viên dạy nghề điện công nghiệp và điện dân dụng tại nhà máy thủy tinh ở thành phố Ilmenau. Những năm ấy có hàng trăm thanh niên miền Bắc Việt Nam được gửi sang đào tạo tại đây theo diện hợp tác lao động. Họ hầu hết không biết tiếng Đức và Rolf chính là cầu nối giữa những người bạn ở hai nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bắt đầu bằng việc dạy tiếng Đức cho thanh niên Việt Nam và rộng hơn là giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Xúc động trước tình cảm của chàng thanh niên người Đức này, Sứ quán Việt Nam tại Đức đã tặng cho Rolf một số đĩa nhạc Việt Nam. Khi những người bạn Việt Nam đến phòng Rolf chơi, nơi đây trở thành một “không gian Việt” tràn ngập âm thanh, giai điệu âm nhạc Việt Nam.
“Tôi biết các bạn tôi rất nhớ nhà, chúng tôi mở nhạc Việt và im lặng bên nhau nghe. Các bạn tôi đã khóc. Tôi biết đó là một đất nước rất thiêng liêng với mỗi người dân. Để thể hiện tình yêu với các bạn Việt Nam, tôi đã tập rất khó nhọc bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” và hát tặng các bạn trong dịp tổ chức đón Tết Nguyên đán tại nhà máy - đó cũng là bài hát Việt đầu tiên tôi hát”, Rolf nhớ lại.
Những năm theo học tại Trường Đại học Công đoàn (Berlin), hay nhận công tác phụ trách công nhân nước ngoài xuất khẩu làm việc ở 3 lĩnh vực sản xuất sành sứ, hóa chất và thủy tinh tại Halle sau khi ra trường, Rolf có nhiều cơ hội để hiểu thêm về Việt Nam. Đặc biệt, mối duyên nợ với Việt Nam càng bền chặt hơn khi năm 1990, Wiegand nên duyên vợ chồng với Huỳnh Thị Phương Hạnh - cô gái gốc An Thái, An Nhơn, Bình Định - Đội trưởng Đội công nhân nhà máy sứ Hennberg ở Ilmenau.
Trong hành trang đến sống tại Quy Nhơn, Wiegand Rolf mang theo rất nhiều sách lịch sử Việt Nam bằng tiếng Đức mà ông sưu tầm từ nhiều năm.
- Trong ảnh: Wiegand Rolf và vợ.
Một phần đời
“Rolf bảo, sau khi nghỉ hưu, anh muốn về Việt Nam định cư lâu dài, tôi đã gợi ý cho anh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để Rolf hình dung rõ hơn về quê vợ, chúng tôi đã tổ chức những chuyến du lịch dọc đất nước. Và anh chọn Quy Nhơn chứ không phải những thành phố lớn”, bà Wiegand Phương Hạnh kể.
Rolf bảo, Quy Nhơn xinh đẹp, hiền hòa, trong lành, rất hợp với mình. Đầu năm 2009, ông cùng vợ, con gái Wiegand Ly và con trai Wiegand Henry Kim chính thức chuyển về Quy Nhơn. Wiegand Ly sau 2 năm hoạt động trong một tổ chức từ thiện của Đức tại Cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga đã trở về Đức, Henry Kim sống cùng cha mẹ, đang học ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ.
Wiegand Rolf bảo, Bình Định và ông như mối duyên kỳ ngộ. Thời trai trẻ, khi đọc lịch sử Việt Nam, ông rất ấn tượng với phong trào nông dân Tây Sơn, ngưỡng mộ vị hoàng đế áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong ông đã mơ tưởng đến vùng đất hữu tình với những làng võ, nghệ thuật tuồng và tháp Chăm rêu phong. Sự hữu duyên lại đưa đẩy để Rolf gắn bó đời mình với một cô gái Bình Định. Vậy nên, con tàu cuộc đời Wiegand dừng chân ở “sân ga” này như một lẽ thường tình, tự nhiên.
“Tôi ngưỡng mộ, trân trọng ở chồng mình một tình cảm hữu nghị quốc tế rộng mở, chân thành, trong sáng và chính tình yêu của anh dành cho Việt Nam cũng làm cho tình cảm vợ chồng tôi lớn hơn, nồng đượm hơn”.
Bà Wiegand Phương Hạnh
Trên quê hương vợ, Rolf đã có những người bạn, hàng xóm mới. Rolf rất sẵn lòng nếu có vài bạn trẻ muốn học tiếng Đức, ông cũng đang nỗ lực từng ngày để khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của mình tốt hơn. Ông khoe những bức ảnh “tất niên xóm”, Tết Việt ngay trên nước Việt mà ông đã 3 lần trải qua; ảnh bà Phương Hạnh cùng các thành viên Đội văn nghệ khu vực 2, phường Quang Trung, biểu diễn trong các hoạt động phong trào. Xúc động khi thấy thật nhiều sách lịch sử, danh nhân, văn học Việt Nam bằng tiếng Đức trên giá sách nhà Rolf. Lòng dâng lên tình cảm quý mến khi thấy Rolf say sưa bên những cuốn sách nhạc “100 ca khúc chào thế kỷ”, “Dân ca Việt Nam”… Đến nhà Rolf, ngoài chiếc lò ông dùng để làm thịt xông khói, xúc xích, sẽ khó lòng nhận ra đó là nơi ở của một người ngoại quốc bởi không gian sống rất thuần Việt…
NSND Phương Thảo, Chủ nhiệm CLB văn nghệ Hương Biển cho biết, Wiegand Rolf yêu văn nghệ với tất cả sự háo hức, nhiệt tình, rất chịu khó tập các bài hát và làn điệu dân ca Việt Nam. “Ca khúc “Quang Trung thần tốc” có tiết tấu nhanh, rất khó hát với một người nước ngoài, vậy mà Rolf đã nỗ lực tập để có thể hát trước mọi người. Rolf cũng chủ động tìm, nghe, thuộc lời nhiều bài hát khác về Bình Định. Tình cảm của Wiegand đối với Việt Nam làm chúng tôi thực sự xúc động”, NSND Phương Thảo chia sẻ.
Wiegand Rolf nói: “Việt Nam và tôi có nhiều kỷ niệm và duyên nợ. Bình Định lại đang là một điểm đến hấp dẫn, vậy tại sao tôi lại không chọn quê hương vợ mình để trải qua những năm tháng bình yên, hạnh phúc!”.
SAO LY
Cảm ơn tác giả đã có bài viết hay và lạ về gia đình anh Wiegand. Qua đây, cho người dân Bình Định chúng tôi gửi lời cảm ơn tấm lòng yêu mến nhiệt thành của anh Weigand đối với đất nước và con người Việt Nam, trong đó có quê hương Bình Định chúng tôi! Và cũng rất cảm ơn chị Phương Thảo, bà xã anh Wiegand đã đưa anh về sinh sống tại BĐ, đóng góp chút gì đó cho BĐ. Mong người dân khu vực 2-phường Quang Trung-TP.Qui Nhơn hãy thể hiện nhiệt tình lòng hiếu khách, yêu mến, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình anh chị Wiegand trong cuộc sống !