Những kỷ niệm với danh nhân tuồng Tống Phước Phổ
Tôi biết bác Tống Phước Phổ từ năm 1972 khi bác ở khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội), nhưng thật sự sống gần gũi với bác từ năm 1977 tại Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ngày ấy, tôi là một nhạc công trẻ, còn bác đã ngoài 60. Từ Đoàn tuồng Liên khu V (Hà Nội) về Quy Nhơn, bác Phổ đã là một soạn giả tuồng nổi tiếng khắp cả nước, nhưng bác vô cùng hiền hậu, giản dị, dễ gần.
Bác sống độc thân, hay đau ốm nên bọn thanh niên trong nhà hát hay lại chơi nhà và giúp bác những công việc lặt vặt. Thấy tôi ham đọc sách, chữ viết chân phương nên bác hay nhờ chép kịch bản - thời đó chỉ có máy đánh chữ giấy than nhòe nhoẹt nên bác không thích. Bác đọc cho tôi chép lại, vừa chép vừa được nghe bác giảng giải về những điển tích trong tuồng: thế nào là gươm Phùng Hoan, áo Phạm Thúc, xe Huyện Tịch... giúp tôi hiểu rõ thêm những câu hát trong tuồng cổ. Đặc biệt, cách sử dụng ngôn ngữ của bác trong tuồng mượt mà, dễ hát và ý tứ sâu xa. Bác kể đã tiếp thu từ câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” để viết nên câu hát tuồng: “Tằm xuân dẫu thác vẫn còn nhả tơ”.
Mặc dầu văn chương hay như vậy, nhưng bác rất chú ý lắng nghe mọi người góp ý. Khi nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 1986, bác Phổ có làm một bài thơ chúc mừng: “Thân tặng câu thơ đến chúc mừng/ Mừng người nghệ sĩ của nhân dân/ Đường sinh nẻo tử thân dày dạn/ Đất Á trời Âu tiếng lẫy lừng/ Len lỏi phong trần qua mấy lớp/ Giữ gìn phong cách vẹn mười phân/ Nêu gương mẫu mực cho đời trẻ/ Học mãi người xưa, học chẳng ngừng”. Nguyên tác lúc đầu bác Phổ viết: “Đường sinh nẻo tử thân dày dạn/ Đất Bắc trời Nam tiếng lẫy lừng”, khi chép lại bài thơ này, tôi mạo muội góp ý: “Theo con thì chú Thừa đi biểu diễn ở nhiều nước, vậy ta đổi lại là “đất Á trời Âu tiếng lẫy lừng” có được không bác?”. Bác vui vẻ gật đầu, khen “thằng này khá!” và đồng ý sửa. NSND Võ Sĩ Thừa đã trân trọng thêu toàn bộ bài thơ của bác Phổ tặng, treo trang trọng giữa nhà.
Các nghệ sĩ trong nhà hát đều kính trọng và hâm mộ bác Tống Phước Phổ. Suốt từ năm 1978 cho đến khi bác về Đà Nẵng (1989), tết năm nào bác Phổ cũng đến nhà tôi đón giao thừa. Bác thương và đồng cảm với chúng tôi - những người xa xứ tâm huyết với nghệ thuật tuồng Bình Định nên đến động viên trong thời khắc thiêng liêng nhớ nhà.
Ngày 31.8 năm nay là 22 năm bác Phổ đi xa. Hình ảnh bác Tống Phước Phổ hiền hậu, tài hoa mãi in đậm trong ký ức của lớp nghệ sĩ tuồng hậu bối chúng tôi.
GIA THIỆN