Nhân ngày Tim mạch thế giới 6.9:
Đau thắt ngực, hãy nghĩ đến nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Trong đó, triệu chứng ban đầu chỉ đơn giản là những cơn đau thắt ngực.
Đối tượng mắc NMCT cao nhất là những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch: béo phì, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc gia đình có người mắc bệnh tim mạch trước tuổi 60.
Bệnh nặng do chủ quan
23 giờ ngày 2.9.2013, bà Nguyễn Thị Cúc - 66 tuổi, ở Phước Thuận, Tuy Phước - được đưa vào BVĐK tỉnh cấp cứu trong tình trạng khó thở nghiêm trọng. Bác sĩ chẩn đoán bà Cúc bị chứng cơ tim thiếu máu cục bộ, suy tim, hen tim. Bệnh nhân còn bị tăng huyết áp giai đoạn 3 và đái tháo đường type 2. Sau khi được điều trị cấp cứu tại khoa Nội Tim mạch, đến sáng hôm sau, bà Cúc đã qua cơn nguy kịch.
Thống kê của khoa Nội Tim mạch (BVĐK tỉnh), từ đầu năm 2013 đến nay, có 176 trường hợp nhập viện điều trị vì NMCT; trong khi đó cùng kỳ năm 2012 cũng có đến 179 trường hợp. Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, Phụ trách khoa Nội Tim mạch, nguyên nhân chính dẫn đến số ca NMCT và biến chứng tăng nhanh là nhiều người không kiểm soát được chế độ ăn uống, số bệnh nhân tái phát nhiều, đặc biệt là tâm lý chủ quan của người bệnh.
Điển hình của sự chủ quan là trường hợp ông Nguyễn Ngọc B. - 56 tuổi, ở Đống Đa, Quy Nhơn. Ông B. nhập viện lúc 7 giờ sáng 24.8.2013, kết quả siêu âm tim cho thấy ông bị giảm động vùng mõm. Đường máu tăng cao nên các bác sĩ phải tiêm Novomix với liều lượng 30 đơn vị/ngày để kiểm soát đường máu. Đến sáng 3.9, sức khỏe đã ổn định, ông B. đi lại, sinh hoạt bình thường. Đây là lần thứ 2 ông B. nhập viện điều trị vì NMCT; ông cũng bị đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. “Lần trước xuất viện về nhà, uống thuốc thêm vài tuần thấy đỡ nhiều nên tôi dừng. Thói quen ghiền cà phê, thuốc lá cũng không bỏ được, ngày nào cũng hút trên một gói, sau đận này tôi quyết bỏ hẳn”, ông B. cho biết.
Rất nhiều người bị biến chứng nguy hiểm sau NMCT do xem thường những cơn đau ngực. Như bệnh nhân Lê Thị Yến - 85 tuổi, ở Nhơn Hạnh, An Nhơn - có tiền sử tăng huyết áp, thỉnh thoảng có những cơn đau ngực, nghĩ do tuổi già nên không đi khám. Ngày 26.8.2013, cơn đau ngực khiến bà hầu như không thở được, huyết áp tăng cao, được người nhà đưa vào viện và điều trị với chẩn đoán suy tim giai đoạn 3 sau NMCT. Hiện nay, bệnh nhân đỡ khó thở, không còn đau ngực, nhịp tim đều, huyết áp ổn định.
Không được bỏ qua cơn đau ngực
Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy đến một cơn NMCT thường không biết chính xác. Nó có thể xảy ra khi đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ, sau tăng đột ngột hoạt động thể lực, hoạt động ngoài trời lạnh, sau một căng thẳng tâm lý. Biểu hiện thông thường nhất của NMCT là đau ngực. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân thường bỏ qua dấu hiệu này và chủ quan không đi khám. Đau thường là kiểu nặng ngực, giống như tim bị bóp chặt, vị trí thường là sau xương ức (hoặc đôi khi ở trên rốn), có thể lan lên cằm trái và cánh tay trái, xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức tối thiểu và kéo dài hơn 30 phút. Đau thường kèm theo cảm giác lo lắng, người bệnh thường vã mồ hôi, mặt tái. Đôi lúc NMCT có cảm giác ngộp thở.
“NMCT rất nguy hiểm. Khoảng 1/4-1/3 bệnh nhân NMCT chết trước khi kịp đến bệnh viện, thường là do các rối loạn nhịp tim nặng. Trong số những người đến được bệnh viện có 5-10% chết do các biến chứng như suy tim, choáng tim, rối loạn nhịp tim”.
Bác sĩ PHAN NAM HÙNG, Phụ trách khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh
“Trong NMCT, một phần cơ tim bị chết, do đó chức năng bơm máu của tim ít nhiều bị suy giảm. Nếu không điều trị thật tích cực sau khi xuất viện, người bệnh sẽ bị suy tim tiến triển và có thể chết vì suy tim. Mặt khác, người đã bị NMCT thường có nhiều mảng xơ vữa động mạch ở những động mạch khác, nếu không điều trị tích cực có thể bị NMCT tái phát hoặc các biến cố huyết khối xơ vữa khác như đột quỵ”, bác sĩ Hùng phân tích.
Khi bị đau ngực nghi NMCT, phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để làm một số nghiệm pháp cận lâm sàng như ghi điện tâm đồ, xét nghiệm máu, siêu âm tim. Qua giai đoạn cấp của NMCT, người bệnh cần được điều trị tích cực để ngăn ngừa suy tim tiến triển, rối loạn nhịp tim nặng và tái phát. Bệnh nhân phải dùng dài hạn một số loại thuốc như thuốc chẹn bêta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc nhóm statin và thuốc kháng tiểu cầu. Đặc biệt, phải tái khám định kỳ, không được tự ý bỏ thuốc.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, để phòng ngừa nguy cơ bị NMCT, ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản như kiên trì tập thể dục hằng ngày với cường độ vừa phải; chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các loại thực phẩm có độ béo và lượng cholesterol cao; bỏ thuốc lá. Đồng thời, kiểm soát các bệnh có liên quan góp phần quan trọng trong quá trình điều trị như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, béo phì.
NGUYỄN VĂN TRANG