Rủi ro săn nhà giá rẻ
Giá gốc căn hộ dành cho đối tượng ưu tiên như cán bộ chiến sĩ, Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ từ 14 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, “cò” bất động sản đẩy chênh lên hàng trăm triệu đồng mỗi căn hộ.
Chênh lệch hàng trăm triệu đồng
Dự án khu nhà ở cán bộ nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ nằm ngay ngã tư 2 mặt đường lớn là Khuất Duy Tiến và Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Dự án gồm 1 tòa 25 tầng với giá bán từ 14 triệu đồng/m2. Hiện dự án mới đang tiến hành xây dựng những tầng đầu tiên. Đáng nói, đây là dự án dự án nhà ở xã hội và theo đại diện chủ đầu tư chỉ bán cho các cán bộ nhân viên ban cơ yếu Chính phủ và theo đúng quy trình xét duyệt hồ sơ của nhà ở xã hội. Nhưng thực tế, hiện dự án này đang rao bán “nhan nhản” với mức giá chênh từ 300 - 400 triệu đồng, tùy căn.
Trong vai khách hàng đi mua nhà ở xã hội tại dự án này, chúng tôi được môi giới cho biết, hiện dự án này đã bán 100% cho các cán bộ nhân viên ban Cơ yếu Chính phủ, nhưng nhiều người không có nhu cầu ở, nên bán lại. Khi chúng tôi hỏi, nhưng đây là dự án nhà ở xã hội, thì mua bán sẽ theo hình thức gì? Môi giới liền bày cách cho chúng tôi là làm một hợp đồng ủy quyền có công chứng, rồi đến khi hết thời hạn 5 năm sẽ làm hợp đồng mua bán. “Chị yên tâm, hợp đồng ủy quyền có công chứng đàng hoàng, nên không lo về mặt pháp lý, hợp đồng ủy quyền này, chị sẽ trở thành chủ mới của căn hộ thay cho chủ cũ. Còn hợp đồng mua bán, tạm thời vẫn đứng tên chủ cũ”, môi giới giải thích thêm.
Thấy chúng tôi vẫn chưa yên tâm, môi giới này tiếp: “Chúng em làm cho bao nhiêu người có sao đâu. Nhà đẹp, giá rẻ, tất nhiên cũng phải có vướng mắc. Suất này toàn nhân viên nhà nước và người tử tế, ai lại đi lừa người khác đâu”. Thậm chí, khi chúng tôi đặt vấn đề là mua lại như vậy, sẽ không vay lãi được ngân hàng, môi giới này cho biết: “Hiện có một số căn hộ, chủ nhà đồng ý vay hộ người mua, tức là người ta đứng ra vay, còn mình trả tiền”. Theo môi giới này, để có được danh sách các căn hộ, anh phải có danh sách người mua, rồi gọi điện cho từng người, xem ai có nhu cầu bán thì mới bán hộ.
Tương tự, dự án nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an, nằm gần đường Phạm Văn Đồng, thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng đang nóng sốt từng ngày. Dự án có vị trí khá thuận lợi khi chỉ cách Bộ công an 800m, cách siêu thị Metro 500m... Dự án gồm 5 tòa nhà 25 - 30 tầng (gồm 1.814 căn hộ và 5 tầng thương mại, dịch vụ) và 1 nhà trẻ với giá gốc bán với gừ 14,7 triệu đồng/m2 đến gần 17 triệu đồng/m2.
Theo một môi giới, dự án có vị trí nằm trong khu đô thị Thành phố Giao lưu, nên rất “hot”. Bởi lẽ, các chung cư khác trong khu đô thị này đều có mức giá lên tới trên dưới 30 triệu đồng/m2. Vì thế, ngay cả trả thêm tiền chênh, mức giá cũng chỉ 20 triệu đồng/m2. “Mức giá này hấp dẫn, nên em có nhiều khách mua lắm”, một môi giới này nói. Tính ra, mỗi căn hộ, người mua nhà phải trả chênh từ 200- 300 triệu đồng và chỉ nắm trong tay hợp đồng ủy quyền sử dụng.
Tịch thu nhà bán sai đối tượng
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội cho biết), người mua lại suất nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ, nhân viên cơ quan nhà nước là sai quy định về đối tượng mua nhà. Trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm thì đương nhiên phải xử lý. Ví dụ như bán nhà không đúng đối tượng sẽ bị thu hồi, chủ đầu tư bị xử lý về hành chính.
“Nếu phát hiện trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tay trục lợi sẽ bị cho vào danh sách “đen” trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời sẽ kiến nghị thành phố không giao thực hiện các dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn”.
Bộ Xây dựng cũng có công văn nhắc nhở các địa phương cần kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp làm trái quy định của pháp luật về nhà ở xã hội. “Về mua bán nhà ở xã hội nhà nước quy định rồi, chúng ta cứ thực thi thôi. Khi Bộ Xây dựng rà soát xong, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế” - ông Đạm nói.
Còn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, tình trạng lách luật mua bán nhà ở xã hội là do buông lỏng quản lý từ khâu tiền kiểm đến hậu kiểm. “Chính sách phát triển nhà ở xã hội là tốt, nhiều đối tượng thu nhập thấp đã có cơ hội tiếp cận nhà ở, nhưng lại chưa có cơ chế kiểm soát, không đồng bộ và thiếu vai trò quản lý nhà nước. Mặc dù các hiện tượng như trên chưa nhiều, khó phát hiện, nhưng nếu không có các chính sách chặt chẽ, tình trạng trục lợi nhà ở xã hội sẽ gia tăng” - ông Hùng khẳng định.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho biết: “Nếu xảy ra tranh chấp hoặc quá trình sử dụng nhà có vấn đề gì thì người mua hoàn toàn gánh chịu rủi ro, nếu có kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì không có cơ sở pháp lý, pháp luật nên không thể bảo vệ, đảm bảo được quyền lợi của người mua nhà”.
Theo NGỌC MAI (TP)