Chính sách thiếu ổn định sẽ cản đường vốn FDI vào Việt Nam
Dù môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện, nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục gỡ bỏ các rào cản để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều quy định pháp luật còn mập mờ
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), trong năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ÐTNN) lên tới 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so cùng kỳ năm 2016. Ðây là mức tăng cao nhất trong mười năm qua. Vốn thực hiện các dự án FDI cũng vượt kỷ lục vừa được lập trong năm 2016 (15,8 tỷ USD), đạt mốc 17,5 tỷ USD.
Dù được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài phản ánh vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh do quy định pháp luật tại Việt Nam. Đặc biệt là với những thay đổi chính sách gần đây đang gây nên lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết: “Các thủ tục hành chính còn quá phức tạp, rườm rà khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Bên cạnh đó, nhiều quy định mập mờ và không được giải thích rõ ràng nên các DN thường gặp khó trong việc phán đoán xem có vi phạm các quy định pháp luật hay không. Chúng tôi quan ngại rằng với hệ thống hành chính không minh bạch, không rõ ràng như vậy sẽ gây tổn thất lớn đến sự hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư sẽ tránh đầu tư vào Việt Nam để chuyển hướng sang các nước khác”.
Đặc biệt, nhiều thay đổi trong các chính sách đã, đang và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn 2016-2019 như Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 05 Luật thuế, trong đó có Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; dự thảo Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Quản lý thuế… khiến nhiều nhà đầu tư có băn khoăn nhất định về môi trường hoạt động lâu dài.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho rằng, các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Cụ thể như việc thi hành Nghị định 54 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược sẽ buộc nhà ĐTNN phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu đôla và làm gián đoạn việc cung cấp hàng nghìn loại thuốc cần thiết. Hoặc Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài.
“Các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những điểm đến có môi trường pháp lý ổn định. Việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với các nhà ĐTNN. Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt”, ông Adam Sitkoff cho biết.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Trước mắt, tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Môi trường kinh doanh dần cải thiện
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam hiện xếp hạng 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm trước. Còn Báo cáo Khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới, trong 190 quốc gia được đánh giá, Việt Nam đứng vị trí 68, tăng 14 bậc so với vị trí 82 vào năm 2017.
Ông Hirohide Sagara, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017 cho rằng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút ĐTNN. Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tích cực thực hiện nhanh gọn và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“56% thành viên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá Việt Nam là môi trường đầu tư tốt và có nhiều thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh”, ông Hirohide Sagara khẳng định.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với việc thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới trong nước, cải cách thể chế với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, sau thành công của sự kiện APEC, cộng đồng kinh doanh quốc tế đang quan tâm rất nhiều đến Việt Nam.
“Việt Nam đang là “thỏi nam châm”, là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam tăng cường hội nhập với thế giới, đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), trở thành thành viên của đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... và đang tiếp tục tham gia đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác. Những yếu tố này đang tiếp tục làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, mở ra triển vọng cho thu hút FDI nước ta thời gian tới.
Ngoài ra, điểm hấp dẫn về thuế, chi phí đầu tư rẻ, để các nhà đầu tư quyết định đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam hay không còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống chính sách đủ minh bạch, công khai, ổn định.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để thu hút FDI thật sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, Việt Nam cần bài bản hơn trong thu hút, quản lý FDI. Thu hút FDI thời gian tới cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng chú trọng hiệu quả đầu tư, hạn chế tối đa những dự án FDI sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường hay những doanh nghiệp FDI lợi dụng chuyển giá khi đầu tư vào Việt Nam./.
Theo Cẩm Tú (VOV.VN)