Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá: Ít ngư dân được thụ hưởng
Tỉnh ta có 37 ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư theo tinh thần Quyết định 47/2016 của Chính phủ, nhưng đến nay chỉ có 7 ngư dân được thụ hưởng chính sách nói trên.
Tàu cá của ông Ngô Văn Dăng, ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn), đóng mới tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn).
Theo Quyết định (QĐ) 47/CP, định mức hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho ngư dân tùy vào công suất, chất liệu tàu cá và ngành nghề, nhưng ngư dân phải đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác thủy sản hoặc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên.
Cụ thể, đối với tàu vỏ thép đóng mới để làm dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất máy chính từ 800 đến trên-dưới 1.000CV, ngư dân được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá, nhưng không quá 8 - 9,8 tỉ đồng/tàu. Trường hợp đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ công suất máy chính từ 800CV đến trên-dưới 1.000CV, ngư dân được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng tàu, nhưng mức hỗ trợ không quá 6,7 - 8 tỉ đồng/tàu. Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ gỗ công suất máy chính từ 800CV trở lên, ngư dân được hỗ trợ 15% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu nhưng không quá 2 tỉ đồng/tàu.
Trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn theo tinh thần QĐ 47/CP, tỉnh ta đã phê duyệt 3 đợt/37 chủ tàu đủ điều kiện được hưởng chính sách nói trên. Trong đó, huyện Hoài Nhơn có 25 ngư dân đăng ký đầu tư đóng 3 tàu vỏ thép, 22 tàu vỏ gỗ; Phù Mỹ có 4 ngư dân đóng 3 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite; Phù Cát có 5 ngư dân đóng 2 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ composite; TP Quy Nhơn có 3 ngư dân đóng 3 tàu vỏ gỗ. Tuy vậy, đến nay, chỉ có 7 ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư đóng mới tàu cá, trong đó huyện Hoài Nhơn có 6 ngư dân đóng tàu vỏ gỗ, công suất từ 800CV trở lên, huyện Phù Mỹ có 1 ngư dân đóng tàu vỏ composite công suất 850CV.
Ông Ngô Văn Dăng, ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn), cho biết: Trên cơ sở thiết kế mẫu và các quy định của Bộ NN&PTNT, chúng tôi tự chọn mẫu tàu, tự quyết định kinh phí và cơ sở đóng tàu không qua trung gian, không phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của ngân hàng, nên mọi việc diễn ra thuận lợi. Tàu cá vỏ gỗ của tôi do Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan thực hiện xong, công suất máy chính là 1.222CV, với các trang thiết bị hiện đại, hành nghề vây khơi. Tổng trị giá đầu tư quyết toán trên 12,25 tỉ đồng và tổng giá trị đầu tư sau khi ngành chức năng thẩm định là hơn 11,89 tỉ đồng. Tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ 15% theo quy định.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thực hiện cơ chế hỗ trợ 1 lần sau đầu tư rất thuận lợi cho ngư dân đóng mới tàu cá. Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ, chỉ những ngư dân thực hiện ký hợp đồng đóng mới tàu trong khoảng thời gian từ ngày 25.11.2015 (ngày Nghị định số 89/2015 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/CP có hiệu lực) đến hết ngày 31.12.2016 mới được hỗ trợ, nên có ít ngư dân đáp ứng được yêu cầu trên. Hơn nữa, việc ngư dân chủ động về tài chính để đóng tàu công suất lớn không hề đơn giản. Với 7 ngư dân đóng xong tàu cá đề nghị hỗ trợ trên 15,36 tỉ đồng, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, thẩm định hồ sơ thủ tục và các hạng mục tàu cá đúng theo hợp đồng và danh mục hỗ trợ, trên cơ sở đó tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian sớm nhất.
PHẠM TIẾN SỸ