Tọa đàm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
Sáng 12.1, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, tổ chức tọa đàm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018).
Tại tọa đàm, gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng thảo luận về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhiều đảng viên trẻ, sinh viên đã tham dự nghe những nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 kể lại câu chuyện chiến đấu anh dũng, ác liệt.
Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đội 4 - Biệt động Sài Gòn trong trận đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968
PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, thắng lợi cuộc tổng tiến công và diễn biến lịch sử sau đó chứng minh Đảng ta cực kỳ nhạy bén, táo bạo và chính xác trong việc lựa chọn chiến lược.
Thực hiện quyết tâm ấy, quân và dân ta đã có những nỗ lực thần kỳ. Nét nổi bật nhất trong chiến dịch là tạo ra sự bí mật, bất ngờ cao độ về hướng tiến công chính, thời điểm, quy mô, cường độ và chiến thuật tiến công.
“Nếu không thất bại chiến lược trong mùa xuân năm 1968 thì Mỹ khó lòng thất bại chiến lược trong năm 1972 và đại bại hoàn toàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975”, PSG.TS Võ Văn Sen khẳng định.
Tương tự, theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhất là trong đợt Tết Nguyên đán, đã giáng đòn bất ngờ, khiến đối phương chịu nhiều tổn thất về sinh lực, vật tư, phương tiện chiến tranh.
Thắng lợi của lực lượng cách mạng làm đảo lộn chiến lược quân sự của đối phương, đẩy Mỹ - Nguỵ lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Cuộc tổng tiến công còn là một bất ngờ lớn, khiến Mỹ choáng váng.
Mặc dù có những tổn thất, song, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn giữ vị trí to lớn, oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo KỲ LÂM (SGGP)