“Ðường sá” và “phố xá”
Trong tiếng Việt, để chỉ chung cho đường đi lại trên bộ, ta có từ đường sá; để gọi các con phố một cách khái quát, có từ phố xá. Nhiều người cho rằng, sá và xá trong hai từ trên là một (do lẫn lộn phụ âm s/x) và đều không có nghĩa. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhầm lẫn, viết sai (đường xá, phố sá).
Thật ra, sá và xá hoàn toàn khác nhau (không chỉ ở âm đọc) và chúng đều có nghĩa (dù trong tiếng Việt hiện đại, nghĩa của chúng có thể đã bị mờ).
Sá trong đường sá là một từ Hán Việt, có nghĩa là “đường đi hiểm trở”. Còn đường cũng là một từ gốc Hán, có một trong các nét nghĩa là “lối đi trong đình viện” (do đó thường đẹp, dễ đi). Đường (lối đi thuận lợi) kết hợp với sá (lối đi hiểm trở) tạo thành tổ hợp đường sá chỉ các lối đi nói chung.
Phố và xá trong phố xá cũng đều là những từ Hán Việt. Phố ở đây có một nét nghĩa là “cửa hàng buôn bán”; xá có một nét nghĩa là “quán trọ, nhà ở”. Ban đầu, phố xá được dùng để chỉ những dãy cửa hàng, quán trọ ở sát nhau. Về sau, tổ hợp này được dùng để gọi chung cho các dãy phố (vì là nơi tập trung nhiều cửa hàng, quán trọ).
Như vậy, đường sá và phố xá đều là những từ ghép đẳng lập mà trong đó, hai yếu tố tạo thành của mỗi từ đều có nghĩa. Và vì hai yếu tố này đẳng lập nên ý nghĩa của tổ hợp do chúng tạo thành khái quát hơn tổng ý nghĩa của từng yếu tố cộng lại (cũng như ý nghĩa của áo quần khái quát hơn của áo + quần, ý nghĩa của hơn thua khái quát hơn của hơn + thua). Cho nên, khi dùng các từ đường sá, phố xá là ta đã hướng tới mục đích nói khái quát (không ai nói đường sá An Dương Vương, phố xá Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn).
Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ sá trong đường sá và xá trong phố xá là những yếu tố không có/mờ nghĩa, cũng như búa trong chợ búa, qué trong gà qué, pheo trong tre pheo (những búa, qué, pheo này chưa hẳn không có nghĩa). Thật ra, chúng vẫn có nghĩa rất cụ thể. Chỉ có điều, trong tiếng Việt hiện đại, những hình vị (đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa) này chưa thành từ, do đó không hoạt động độc lập được như từ mà thôi.
Th. S PHẠM TUẤN VŨ
Tôi nghĩ "đường" trong từ ghép "đường sá" là biến âm của từ "đàng" trong tiếng Việt, chứ không phải là "một từ gốc Hán, có một trong các nét nghĩa là “lối đi trong đình viện” (do đó thường đẹp, dễ đi)." như tác giả bài viết nói ở trên. Bằng cớ là trong từ điển "Việt-Bồ-La" (1651) của Alexandre de Rhodes có các từ "đàng, đắp đàng, sông vỡ đàng; đàng cái, dẫn đàng". "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" (Tục ngữ). Truyện Kiều có câu: "Sè sè nắm đất bên đàng, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh". Ngày nay người miền Trung vẫn nói "đàng" với nghĩa là "đường" (đàng quan-đường quốc lộ, đàng đất, đàng đá)
Bài viết giải thích hay và đủ những thông tin hữu ích. Cám ơn BDO rất nhiều!