GIẢI QUYẾT KHIẾU KIỆN KÉO DÀI, VƯỢT CẤP:
Cần giải pháp căn cơ
Theo nhận định của Thanh tra tỉnh, thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh có giảm về số lượng vụ việc phát sinh, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Ðáng lo ngại là tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp lên các cơ quan Trung ương, đòi hỏi phải có những giải pháp vừa cấp thiết, vừa căn cơ.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ các vụ việc khiếu kiện đông người tại Hà Nội. Tổ công tác đã kiểm tra việc thực hiện ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giải quyết khiếu nại của công dân tại 5 huyện, thị xã, thành phố (Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn) và 3 sở, ngành (Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Quản lý Dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh).
Khiếu kiện kéo dài, không hợp tác
Theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đoàn Quang Sáu - Tổ trưởng tổ công tác, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Trong đó, một phần là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng, đòi lại đất cũ, nhưng thiếu cơ chế, chính sách để giải quyết thỏa đáng.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện thu hồi đất có lúc có nơi chưa đúng trình tự, thủ tục, thiếu công khai, dân chủ và trong một số ít trường hợp, số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa đủ để người dân tạo lập chỗ ở mới tốt hơn. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn bị buông lỏng, để xảy ra khuyết điểm, sai phạm.
“Sau khi có kết luận cuối cùng, có thể lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp để đưa một số vụ việc điển hình ra thông báo công khai cho nhân dân địa phương biết. Ðối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.
Ông ĐOÀN QUANG SÁU, Phó Chánh Thanh tra tỉnh
Đơn cử, trường hợp bà N.T.L. (xã Nhơn Phong, TX An Nhơn) khiếu nại đòi lại phần diện tích đất phía trước nhà ông C.V.N., đồng thời đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần diện tích này cho gia đình bà. Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Chi nhánh An Nhơn đã cấp đổi giấy chứng nhận cho hộ ông N., trong đó có phần đất đang tranh chấp này. Do đó, bà L. tiếp tục khiếu nại ra Trung ương. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã giao Chủ tịch UBND TX An Nhơn chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông N. không đúng quy định.
Đáng chú ý, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, mang nặng tâm lý mong được lợi từ việc bồi thường càng nhiều càng tốt. Từ đó, có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng chế độ chính sách, không phối hợp kiểm đếm, không chấp nhận phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Như trường hợp ông L.V.H. (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) khiếu nại việc bồi thường hỗ trợ thực hiện Dự án Nhà máy nước thải, Ban Quản lý Dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh đã mời lên để làm việc và tính toán lại phương án bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, ông H. 3 lần không đến làm việc, tiếp tục ra Hà Nội khiếu kiện.
Đảm bảo yên dân, không phải “cho xong việc”
Kết quả kiểm tra của tổ công tác liên ngành cho thấy, các địa phương đã xử lý các vụ việc có ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, một số vụ việc triển khai còn chậm, kết quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, ông Đoàn Quang Sáu cho rằng, các cấp chính quyền cần phân công trách nhiệm rõ ràng để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách. Trong quá trình giải quyết phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, kết luận rõ đúng, sai; vận dụng linh hoạt các chính sách, pháp luật, đề ra phương án giải quyết phù hợp, có lý, có tình, bảo đảm dứt điểm vụ việc ngay trong lần đầu giải quyết; hạn chế tối đa tình trạng kéo dài, khiến công dân bức xúc, khiếu kiện vượt cấp.
“Với những vụ việc phức tạp, người lãnh đạo phải trực tiếp tiếp dân, đối thoại công khai, dân chủ và chỉ đạo giải quyết với tinh thần đảm bảo yên dân, chứ không phải “cho xong việc”. Khi xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp thì các cơ quan phải tăng cường phối hợp để vận động, thuyết phục, tổ chức đưa công dân trở về địa phương, đồng thời có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, tái khiếu kiện”, ông Sáu nhấn mạnh.
Cùng với đó, khâu tuyên truyền, vận động cũng quan trọng không kém. Tại hội nghị triển khai công tác dân vận năm 2018 được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đặt ra yêu cầu công tác dân vận phải tạo được sự đồng thuận trong từng khâu, trong từng dự án cụ thể. “Cán bộ thực hiện giải phóng mặt bằng phải đặt mình vào vị trí của người bị giải tỏa nhà cửa, đất đai thì mới vận động hiệu quả được”, ông Toàn lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG