HUYỆN AN LÃO VÀ HOÀI NHƠN:
Chung sức bảo vệ vùng rừng giáp ranh
Vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn được coi là “điểm nóng” của phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Ðể ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm, chính quyền 2 huyện đang tập trung đẩy mạnh, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Nóng” vùng rừng giáp ranh
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), An Lão và Hoài Nhơn là 2 trong số các địa phương trong tỉnh có nhiều xã giáp ranh với nhau như: xã An Hưng, An Tân, An Hòa (An Lão) giáp với các xã Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Để ngăn chặn, giảm thiểu số vụ vi phạm, năm qua, ngành chức năng 2 huyện trên đã chủ động phối hợp với nhau và với UBND các xã, chủ rừng mở nhiều đợt tuần tra, truy quét.
Trong năm 2017, cơ quan chức năng huyện An Lão và Hoài Nhơn đã tổ chức 142 đợt kiểm tra, kiểm soát và truy quét ở vùng rừng giáp ranh. Qua đó, phát hiện, bắt giữ 8,3 m3 gỗ các loại, 5 máy cưa; hủy tại rừng 2,5 m3 gỗ, 1 lán trại và 10 ster củi. Lực lượng chức năng 2 huyện cũng phát hiện, lập biên bản 102 vụ khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái phép khác, tạm giữ 1.410 thanh gỗ xẻ với trữ lượng 55,2 m3, 8 mô tô, 1 cộ độ chế, 2 ô tô. Kiểm lâm 2 huyện phát giác 37 vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đến nay, có 18 vụ phá rừng bị xử phạt hành chính và 11 vụ xử lý hình sự. Các vụ còn lại được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Vùng rừng giáp ranh An Lão - Hoài Nhơn dài trên 2,5 km với diện tích đất có rừng gần 5.000 ha, gồm gần 2.400 ha rừng tự nhiên và hơn 2.500 ha rừng trồng. Trong đó, diện tích rừng dễ xảy ra xâm hại là rừng ở tiểu khu 1, 6, 15 xã An Hưng, tiểu khu 22 xã An Tân, tiểu khu 34, 44 xã An Hòa (An Lão) giáp ranh với tiểu khu 10,16 xã Hoài Sơn, 23A xã Hoài Châu, 23B và 35 xã Hoài Phú, 30A xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn).
Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, cho rằng công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh vẫn còn một số bất cập, nguyên nhân là do một số công chức và người lao động làm nhiệm vụ bảo vệ rừng còn bị động trong việc chốt chặn, thiếu trách nhiệm tuần tra, kiểm tra. Các đơn vị chủ rừng chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng trên lâm phần được phân cấp quản lý. Một bộ phận người dân không có việc làm ổn định, hám lợi nên tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Vụ phá gần 61 ha rừng ở xã An Hưng (An Lão) - nơi giáp ranh với xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) vừa qua là bài học sâu sắc có nguyên nhân từ bất cập đó.
Chung sức bảo vệ rừng
Để làm tốt việc phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giáp ranh, vừa qua, UBND huyện An Lão và Hoài Nhơn đã tổ chức hội nghị ký kết Quy chế phối hợp thực hiện công tác này. Theo đó, phòng NN&PTNT 2 địa phương có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn của huyện mình tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong công tác điều tra, xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên vùng giáp ranh.
Trường hợp cần thiết, 2 địa phương kịp thời phối hợp chỉ đạo lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác kiểm tra, kiểm soát, truy quét lâm tặc và phòng cháy, chữa cháy rừng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh.
Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nhận định: “Chúng tôi xác định vùng rừng giáp ranh huyện An Lão - Hoài Nhơn là nơi dễ xảy ra xâm hại rừng. Vì vậy, 2 địa phương đang triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức hoặc cá nhân nào thực hiện chưa tốt việc quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để rừng vùng giáp ranh bị xâm hại thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
TRỌNG LỢI