Người giữ nghề dệt chiếu ở Phú Hậu
Ðó là anh Trương Văn Châu, ở thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát). Anh được người dân nơi đây gọi cái tên thân mật là Châu “chiếu”, bởi anh có thâm niên và gắn bó với nghề dệt chiếu, buôn bán chiếu ở địa phương.
Anh Trương Văn Châu, chủ cơ sở dệt chiếu máy Phú Hậu.
Gắn bó với nghề
Anh Châu tâm sự: “Vợ tui là con nhà nòi nghề dệt chiếu của làng nghề chiếu cói Phú Hậu. Sau khi cưới nhau, vợ tui ở nhà vừa dệt chiếu, vừa mua gom chiếu trong làng, còn tui tìm mối để bán, cứ vậy mà túc tắc mua bán chiếu đã được 22 năm”.
Cách đây hơn 5 năm, do cạnh tranh không nổi với chiếu nhựa, chiếu trúc, sản phẩm chiếu cói tiêu thụ chậm, giá thấp, không đủ chi phí, nên đa phần các hộ làm nghề trong làng đã bỏ nghề đi làm việc khác kiếm sống. Mấy năm gần đây, thị trường đã dần chuộng lại chiếu cói, nhưng việc dệt chiếu thủ công khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bởi trong làng còn rất ít hộ giữ nghề.
Anh Châu đã tìm tòi trên mạng internet và biết được có một cơ sở ở tỉnh Đồng Tháp chuyên sản xuất máy dệt chiếu nên liền liên hệ và trực tiếp đến tham quan. Thấy hoạt động hiệu quả, anh đặt liền 4 máy, giá 35 triệu đồng/máy. Sau một thời gian vận hành thử, anh thuê các chị trong xóm đứng máy ngày 8 tiếng, trả công 180 ngàn đồng/ngày, mỗi thợ vào làm phải học việc một tuần mới điều khiển máy thành thạo.
Hiện nay, cơ sở dệt chiếu của anh Châu giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương, sản lượng chiếu làm ra mỗi ngày 20 đôi (40 chiếc), đủ các kích cỡ từ 1 m đến 1,6 m, giá bán từ 120 ngàn – 200 ngàn đồng/đôi. So với chiếu dệt thủ công, chiếu đệt máy giá cao hơn từ 30.000 - 50.000 đồng/đôi. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó; thu nhập của cơ sở gần 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Trăn trở nghề chiếu
Ông Trần Tòng, Trưởng thôn Phú Hậu, bộc bạch: Làng chiếu Phú Hậu trước đây khá phồn thịnh với hơn 200 hộ làm nghề dệt chiếu. Sau đó số hộ làm chiếu giảm dần xuống còn 150 hộ. Còn đến nay số hộ giữ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay mà nguyên nhân chủ yếu là chiếu dệt thủ công có sức mua thấp, đôi khi bỏ công làm lời. Hơn nữa, vùng nguyên liệu cói ở địa phương phục vụ làng chiếu rộng đến 15 ha, giờ bà con đã chuyển sang trồng lúa hết, muốn có nguyên liệu để sản xuất phải ra tận huyện Hoài Nhơn mua về, chi phí cao. Hiện chỉ có xưởng chiếu dệt máy của anh Châu là đang “ăn nên làm ra” và giải quyết việc làm cho một số lao động nông nhàn.
Anh Trương Văn Châu cho biết thêm: Mong muốn của tui hiện nay là mở rộng xưởng dệt chiếu, đặt thêm 5 - 6 máy nữa, nhưng nguồn vốn hiện tại khá hạn hẹp nên rất mong ngành chức năng, nhất là Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị máy móc, vừa giúp cho cơ sở thu hút thêm lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho lao động địa phương và giữ cho nghề chiếu không phải mai một.
XUÂN THỨC