Tất bật chuẩn bị cho mùa Tết
Những ngày này, khắp các vùng miền trong tỉnh, phụ nữ đang tất bật lo dệt chiếu, chăm hoa, làm bánh… chuẩn bị bán trong dịp Tết. Với chị em, Tết cũng là hành trình mưu sinh hằng ngày và mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phụ nữ chăm sóc hoa ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.
Làng nghề… đón tết
Vùng rốn lũ xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước hiện nước vẫn còn mấp mé bờ ruộng. Các chị em ở làng nghề dệt chiếu cói rủ nhau đổi công dệt chiếu kiếm thêm thu nhập. Bà Lương Thị Trang, 67 tuổi, thôn Lạc Điền, kể: “Chưa sạ lúa được nên nhà nào cũng tất bật dệt chiếu cói. Tôi tìm mua nguyên liệu ở Hoài Nhơn về nhuộm, phơi để dành đến trước Tết dệt chiếu cùng chị em. Dù công rất thấp, chỉ 35.000 đồng/đôi chiếu nhưng có việc làm, chút thu nhập là tốt rồi”. Mỗi ngày, hai người làm được 3 chiếc chiếu, bán được 110 - 120 ngàn đồng/chiếc. Mỗi ngày, cả thôn dệt được khoảng mấy chục chiếc, thương lái tìm đến thu mua tận nhà. Chị em cứ thế vừa làm, vừa rôm rả chuyện trò.
Các cơ sở làm bánh truyền thống ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn cũng nhộn nhịp và tất bật. Chị Hồ Thị Mau, khối 8, chủ cơ sở sản xuất bánh cốm và tổ trưởng tổ liên kết sản xuất bánh truyền thống, cho biết: “Chúng tôi chuyên sản xuất loại bánh cốm nổ được làm từ nếp ngự truyền thống của địa phương. Để chuẩn bị cho mùa bánh cao điểm phục vụ Tết, từ tháng 3 hàng năm, tôi đi mua nếp ngự ở các xã trong huyện về dự trữ làm nguyên liệu”. Mỗi ngày, cơ sở của chị Mau có 7- 10 lao động, cao điểm có 15 lao động đều là chị em ở xóm và vùng lân cận. Ngôi nhà nhỏ của chị Mau có đủ các loại máy ép, máy sấy, chảo rang nếp luôn đỏ lửa. Mỗi chị đảm nhận một việc khác nhau. Dù làm việc khẩn trương cho kịp các chuyến xe xuôi ngược Nam - Bắc nhưng họ vẫn luôn trò chuyện, vui đùa.
Ở vùng nông thôn khác, chị em lo chăm chút đàn gà cho mau lớn, kịp bán trong dịp Tết được giá hơn để sắm tết. Những vườn chuối, đu đủ xanh ngát ở Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh cũng đang được chị em cố gắng vun gốc, tỉa lá, cành cho cây trái sum suê hơn với mong muốn có vụ thu hoạch cao đúng mùa Tết.
Chị em vừa làm việc vừa trò chuyện rôm rả ở làng nghề xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Gắn kết nghĩa tình
Trước đây, nghề làm bánh cốm nếp đã dần mai một. Nhưng sau một thời gian, người tiêu dùng ngán các sản phẩm công nghiệp lại tìm về với các món bánh truyền thống, thì làng nghề ở thị trấn Tam Quan lại đỏ lửa. Giá cốm khá rẻ, từ 8.000- 15.000 đồng/chục miếng, nên ngày càng được nhiều người tìm mua. Do đó, các cơ sở làm bánh cốm ở thị trấn Tam Quan được khôi phục trở lại với việc thành lập mô hình, tổ liên kết để chị em hỗ trợ lẫn nhau, tránh bị thương lái ép giá, giữ vững chất lượng, thương hiệu. Chị Trịnh Thị Út, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Nhơn, cho biết: Hiện các cơ sở Hội đã mạnh dạn liên kết chị em, tạo công việc làm, gắn kết tình cảm và vận động tham gia các hoạt động, phong trào của Hội, như tổ kết chổi cọng dừa ở xã Hoài Phú, tổ sản xuất bánh truyền thống ở thị trấn Tam Quan, tổ liên kết sản xuất nước mắm xã Hoài Hải… Mùa Tết đến, các chị em nỗ lực làm việc để có thêm thu nhập nhưng vẫn dành thời gian tham gia mọi hoạt động do Hội tổ chức”.
Đến những vườn hoa cúc ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp dịp này chúng ta thấy rất đa dạng các giống cúc. Hoa cúc được trồng quanh năm để bán ở khắp các chợ trong tỉnh vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng. Song, mùa cận Tết, chị em tất bật hơn vì nhu cầu tăng cao. Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hiệp, cho biết: “Hội LHPN xã thành lập mô hình trồng hoa có hơn 20 chị. Tham gia mô hình, chị em được hỗ trợ vay vốn để đầu tư trồng trọt, học tập kiến thức KHKT về các loại giống hoa mới, phù hợp thổ nhưỡng ở địa phương. Nhờ đó, nhiều chị em có thu nhập cao”.
Ở các làng nghề, dù thu nhập không cao nhưng chị em đều cảm thấy cuộc sống hạnh phúc, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Những lúc làm việc, chị em có dịp chia sẻ rất nhiều chuyện vui buồn, khó khăn cho nhau. Với họ được làm việc ngay tại quê là niềm vui và có thêm nguồn thu nhập gia đình.
HẢI YẾN