Nghệ nhân Minh Đỏ: Một tài danh hát bội cần được vinh danh
Nghệ nhân Minh Ðỏ (tên thật Nguyễn Văn Minh, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, 90 tuổi) hiện là nghệ nhân hát bội cao niên nhất trong tỉnh. Ông có quá trình dài cống hiến, nắm giữ tinh hoa nghề… song đáng tiếc dù đang đi đến quãng cuối cuộc đời, ngôi sao này vẫn chưa nhận được sự vinh danh xứng đáng.
Giải thích về nghệ danh của mình, nghệ nhân Minh Đỏ kể, từ bé tóc và da đã có màu hung hung, theo tuồng, sau khi hóa trang khuôn mặt càng hồng hào, dân hát bội trong tỉnh đều gọi ông là Minh Đỏ. Minh Đỏ là học trò của Bầu Chiêu (còn gọi là Bầu Bốn, ở Hòa Lạc, Bình Tường - nay thuộc Phú Phong) - con của Bát Phàn, một trong những học trò giỏi của Hậu tổ tuồng Đào Tấn.
Nghệ nhân Minh Đỏ diễn lại tay và mắt vai Trương Phi - một trong những “vai ruột” của ông.
Tài danh một thuở
Gia đình có điều kiện cho ăn học nhưng vì quá mê hát bội, nài nỉ mãi cha mẹ mới cho theo, từ năm 12 tuổi. Thầy nghiêm, dạy kỹ lắm, trò học tuy khổ nhưng bù lại có nghề, được bạn nghề nể, khán giả mến mộ. Sau nhiều năm đi hát cho các đoàn bạn, gần 40 tuổi mới cùng vợ (bà Võ Thị Xuân Lan - đào Ngọc Tân) lập được gánh hát riêng tên Tân Long, thu hút nhiều bạn hát giỏi trong tỉnh, trở thành một trong những gánh hát mạnh thời bấy giờ. Thời chiến tranh, không ít lần trúng bom đạn cháy hết sân khấu, trang phục…, vợ chồng lại dành dụm khôi phục gánh hát, duy trì được khoảng 30 năm đến sau năm 1975. “Ngoảnh lại, đời hát bội không giàu tiền giàu bạc, tổn hao sức lực nhiều, sự chăm chút cho gia đình nhiều khi không trọn vẹn, niềm vui lớn nhất chỉ còn lại là quãng đời đam mê, thăng hoa đã qua và chút ký ức nào đó trong lòng khán giả”, nghệ nhân Minh Đỏ tâm sự, như đúc kết đời hát bội của mình.
“Ngoảnh lại, đời hát bội không giàu tiền giàu bạc, tổn hao sức lực nhiều, sự chăm chút cho gia đình nhiều khi không trọn vẹn, niềm vui lớn nhất chỉ còn lại là quãng đời đam mê, thăng hoa đã qua và chút ký ức nào đó trong lòng khán giả”
NGHỆ NHÂN MINH ĐỎ
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, thuộc lứa nghệ nhân đàn em và hoạt động hát bội dưới thời một số danh ca như Hoàng Chinh, Tư Cá…, trực tiếp học nghề từ những thầy tài năng thời đó, nghệ nhân Minh Đỏ có vốn nghề bài bản. Đặc biệt ông có thể thể hiện nhiều loại vai khác nhau: kép trắng, kép đỏ, kép xéo hay tướng, nịnh, lão. Nhưng tương truyền là không thích đóng kép trắng bởi nét nho nhã, yểu điệu của dạng vai này, mà thích đóng tướng, kép độc bởi thích sự mạnh mẽ, độc đáo, thích diễn nhiều vũ đạo (điều này nghệ nhân Minh Đỏ cũng xác nhận, bởi tiếng là vợ chồng đứng chung sân khấu mấy mươi năm nhưng sở trường bà là đào văn, còn ông với dạng vai trên nên rất hiếm khi đóng cặp). Với sở trường đó, cộng với chất giọng tuy không mùi lắm nhưng khỏe, cao, vang, tên tuổi nghệ nhân Minh Đỏ gắn liền với những vai tính cách như Diệm Thiên Hùng, Hạ Hầu Đôn, Tạ Ôn Đình, Trương Phi… Ngoài tài năng biểu diễn, nghệ nhân Minh Đỏ còn có biệt tài kẽ mặt tuồng rất đẹp, rất đúng phong cách mặt nạ tuồng Bình Định xưa. Ông từng được Nhà hát tuồng Đào Tấn mời tư vấn khi đơn vị này thực hiện bộ mặt nạ tuồng mẫu.
Là con của danh ca Hoàng Chinh, nhiều lần được cha dẫn đi xem gánh hát Tân Long diễn, nghệ sĩ Hoàng Việt có khá nhiều ký ức về nghệ nhân Minh Đỏ. “Một trong những vai diễn xuất sắc nhất của ông mà tôi còn nhớ đến bây giờ và nghĩ rằng chưa có ai thay thế được, là vai Hạ Hầu Đôn trong tuồng Cổ Thành, nhất là lớp nhân vật này dùng kế để né đại đao của Quan Công. Quan Công không bao giờ chém người dưới ngựa, biết vậy nên Quan Công lia đại đao qua là Hạ Hầu Đôn nhảy xuống ngựa, đứng dưới đất ngó lên mỉa mai “á, hụt rồi, lại hụt rồi”. Chất Hạ Hầu Đôn - vẻ xấc, ngạo, ma mãnh, gian trá, kiêu hùng - theo tôi đến giờ nghệ nhân Minh Đỏ vẫn là người lột tả hay nhất”, nghệ sĩ Hoàng Việt cho biết.
Cần sớm vinh danh
Nghệ nhân Minh Đỏ đa tài, biệt tài trên sân khấu hát bội ngày nào, giờ là ông cụ tóc bạc như cước, đi lại có phần khó khăn cũng như trí nhớ không khỏi sự lễnh lãng. Tuy nhiên, ở tuổi 90 ấy, nét quắc thước, nhanh nhẹn của một kép xéo, kép độc, tướng và vẻ hào hoa nghệ sĩ vẫn thấp thoáng. Và càng thể hiện rõ khi ông hạnh phúc hồi tưởng, cố chắp vá những mảng miếng ký ức đời hát bội của mình.
Điều day dứt tôi là, suốt buổi gặp, chốc chốc ông lại dừng mạch chuyện, không phải vì quên mà để nói đi nói lại ý này: thật hổng ngờ 90 tuổi còn có cơ hội nói về hát bội, về đời nghề, về gánh hát Tân Long, về cách kẽ mặt tuồng đúng kiểu xưa và làm vài động tác tuồng. Nghe trong từ “thật hổng ngờ” của người nghệ nhân già, chút gì đó bất ngờ, vui vui và sự tủi thân.
Từ nhiều nguồn thông tin: gia đình, những người am hiểu về hát bội Bình Định, cán bộ văn hóa thâm niên của huyện Tây Sơn... và tất cả đều khẳng định, đây là trường hợp rất xứng đáng được vinh danh.
“Vai trò của nghệ nhân Minh Đỏ bên mảng hát bội cũng tương tự như nghệ nhân Lê Thị Đào bên bài chòi dân gian - cao niên nhất, có quá trình cống hiến lớn, vừa lập bầu gánh vừa đi hát, rộng nghề, nhiều biệt tài riêng… Ông rất xứng đáng được vinh danh Nghệ nhân ưu tú (danh hiệu cấp Nhà nước cho nghệ nhân dân gian) tiếc là qua 2 đợt đề xuất, trước hết là địa phương và ngành văn hóa huyện đã không lưu ý đến, quả thật rất đáng tiếc!”, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha cho hay.
Thiết nghĩ, sự lãng quên này không chỉ đáng tiếc mà còn có lỗi với di sản, với nghệ nhân tiền bối. Dẫu muộn, còn hơn không…
SAO LY