Triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế: Cần tích cực và chủ động
Thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai. Song, để thực sự là động lực đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, công tác này cần được thực hiện một cách bài bản, sâu, rộng. Với tư cách là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh, ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Ðịnh về vấn đề này.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đứng giữa) và lãnh đạo một số sở, ngành chứng kiến Lễ ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa BIDIPHAR và Tập đoàn Kyorin - Nhật Bản.
* Xin ông cho biết những kết quả chủ yếu về công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của tỉnh ta trong thời gian qua?
- Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10.7.2014 của Chính phủ về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vận dụng linh hoạt và hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư; mở rộng quan hệ đối ngoại, HNKTQT; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã khảo sát, triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 49, công tác HNKTQT của tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan trên một số nội dung chủ yếu: Hoàn thiện pháp luật về thể chế kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm DN; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực; củng cố, tăng cường cơ chế phối hợp, giám sát và triển khai công tác HNKTQT…
* Ông có thể giới thiệu về hiệu quả của một số nội dung hội nhập, cũng như những hạn chế, khó khăn trong công tác HNKTQT của tỉnh?
- Về nội dung “Nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm DN”, tỉnh ta đã triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ tỉnh Bình Định đến năm 2020”; Đề án “Phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2020”. Thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường thông qua tham tán thương mại các nước nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN xuất nhập khẩu về các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm sau luôn tăng hơn năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 72 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 899,5 triệu USD.
Về nội dung “Củng cố, tăng cường cơ chế phối hợp, giám sát và triển khai công tác HNKTQT”, tỉnh đã xây dựng và triển khai hoàn thành kế hoạch công tác HNKTQT giai đoạn 2013 - 2015; ban hành kế hoạch triển khai công tác HNKTQT tỉnh Bình Định giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 49 và Quyết định số 40/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược tổng thể HNKTQT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, công tác HNKTQT của tỉnh cũng còn một số hạn chế, khó khăn. Các chủ trương, cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện HNKTQT đã được ban hành, nhưng một số đơn vị, địa phương còn rất lúng túng trong nhận thức và triển khai thực hiện. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cam kết giữa Việt Nam với WTO chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế. Nhận thức về HNKTQT và phát triển bền vững của các tổ chức, cơ quan nhà nước, DN trên địa bàn tỉnh chưa cao. Quá trình HNKTQT của các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa thật sự sâu rộng. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thông tin về các đối tác kinh tế lớn; hàng hóa xuất khẩu sang một số thị trường vẫn còn bị cản trở bởi nhiều rào cản; năng lực cạnh tranh các mặt hàng với đối thủ trên thế giới thấp…
* Vậy, cần phải làm gì để công tác HNKTQT ngày càng hoàn thiện, phát triển, đem lại lợi ích thiết thực, thưa ông?
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nhân, DN và nhân dân về HNKTQT; phổ biến rộng rãi chương trình, kế hoạch thực hiện HNKTQT của Trung ương, của tỉnh cho các sở, ngành, địa phương và các DN trên địa bàn; chủ động thực hiện HNKTQT. Phổ biến kết quả thực thi các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết, các lộ trình thực hiện cam kết, những hiệp định đang đàm phán… để các DN, các đối tượng tiếp cận và tham gia hội nhập. Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện HNKTQT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể.
Đồng thời, Bình Định cần tăng cường “liên kết ngang” để phát huy thế mạnh trong HNKTQT, nhất là việc hợp tác với 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các địa phương: Hà Tĩnh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế bằng các hình thức giao lưu đoàn kết, hữu nghị đến hợp tác kinh tế, nghiên cứu khoa học. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi ngoại ngữ, tinh thông nghiệp vụ phục vụ công tác HNKTQT.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)