Làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Làng nghề tiểu thủ công nghiệp là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, các làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ.
Phơi bún ở làng nghề truyền thống bún - bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn). Ảnh: HỨA THIỆN
Quy mô nhỏ, khó cạnh tranh
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 51 làng nghề (LN), trong đó có 40 LN được công nhận là LN truyền thống, thu hút khoảng 7.300 hộ tham gia sản xuất, giải quyết trên 16.000 lao động. Sản phẩm LN khá đa dạng như bún, bánh, gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đan đát, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, chiếu cói, hải sản khô,… Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận, còn lại được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua ủy thác hoặc qua đường tiểu ngạch. Một số sản phẩm ở các LN bước đầu được khách hàng gần xa ưa chuộng như rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn); nón ngựa Phú Gia (Phù Cát); sản phẩm tiện gỗ và tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn). Đặc biệt có 5 LN được quy hoạch và từng bước đầu tư phát triển để khai thác du lịch LN, gồm: LN Rượu Bàu Đá, LN Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (TX An Nhơn); LN Rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, TX An Nhơn); LN Nón ngựa Phú Gia; LN Nón lá Thuận Hạnh (Tây Sơn).
Toàn tỉnh có 51 LN, trong đó, có 14 LN chế biến nông sản, thực phẩm; 3 LN chế biến hải sản; 7 LN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, 27 LN sản xuất công cụ, dụng cụ và hàng tiêu dùng khác.
Các LN được phân bố rộng rãi trong tỉnh, gồm: TX An Nhơn 16 LN; huyện Phù Cát 9 LN; huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn mỗi huyện có 8 LN; huyện Tây Sơn 4 LN; huyện Tuy Phước 2 LN; các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân mỗi huyện có 1 LN.
Tuy nhiên, hầu hết các LN sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình. Do vậy, trình độ quản lý của chủ hộ còn hạn chế, chưa hình thành mô hình sản xuất liên kết phát triển bền vững. Lao động ở các cơ sở LN chủ yếu làm theo kinh nghiệm, nên kỹ năng nghề nghiệp và trình độ thẩm mỹ không cao.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng LN tuy được quan tâm hỗ trợ bước đầu, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Trong đó, hệ thống xử lý môi trường chung cho LN còn nhiều bất cập, ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở còn thấp, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Điều này có nguyên nhân từ thực tế nguồn vốn ngân sách nhà nước có hạn, trong khi vốn huy động từ cơ sở LN cũng khó khăn. Ngoài ra, công tác hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các cơ sở LN chưa kịp thời. Sản phẩm từ các LN tuy gần gũi cuộc sống, nhưng chậm chuyển đổi về mẫu mã, hình thức lẫn chất liệu theo nhu cầu thị trường. Lao động qua đào tạo còn ít, chưa quen với tác phong công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ, thời vụ nên khả năng tích lũy vốn phục vụ phát triển lâu dài còn thấp.
“Trợ lực” cho các LN phát triển
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Xác định tầm quan trọng của LN, sau khi Quy hoạch phát triển LN tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, Sở Công Thương đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt một số chính sách khuyến khích phát triển LN TTCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở KH&ĐT, các địa phương triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng các LN TTCN theo quy định.
Năm 2017, Sở Công Thương đã phối hợp đề xuất hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm LN Rèn Tây Phương Danh (TX An Nhơn) với kinh phí 852 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung LN Chế biến hải sản khô Mỹ An (Phù Mỹ), hỗ trợ bê tông xi măng LN Đan đát Trung Chánh, xã Cát Minh (Phù Cát),… Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ cho 6 lượt cơ sở sản xuất thuộc LN tham dự các hội chợ triển lãm với tổng kinh phí 33 triệu đồng; hỗ trợ 3 đề án khuyến công với tổng kinh phí 232,5 triệu đồng, gồm: Hỗ trợ máy móc thiết bị vào sản xuất bánh hỏi, công suất 150 tấn/năm tại Cơ sở Trần Thị Hiền, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam” của xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) với kinh phí 30 triệu đồng; hỗ trợ Đề án Thi thiết kế, chế tác sản phẩm phục vụ du lịch Bình Định lần thứ hai năm 2017 với kinh phí 152,5 triệu đồng.
Theo ông Hưng, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở LN đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng KHKT, công nghệ mới vào các ngành, lĩnh vực, nhằm nâng cao sức cạnh tranh đối với các cơ sở LN. Hỗ trợ cơ sở LN về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn,... để đến năm 2020 có 36 LN được công nhân đạt tiêu chí theo quy hoạch. Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển LN hiệu quả nhất.
T.LỢI - C.LUẬN