Kỷ niệm bồi hồi về tác giả “Đất nước trọn niềm vui"
Đọc lại mấy trang nhật ký của những ngày tháng 4/1975, tôi cứ bồi hồi xúc động, xen lẫn niềm vui khó tả. Dạo đó, Ban Biên tập Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam ở 45 phố Bà Triệu, Hà Nội, trên tầng 3. Nhạc sĩ Nguyễn An và tôi phụ trách Phòng Nhạc mới và Dân ca; nhạc sĩ Hoàng Hà và nhạc sĩ Mộng Lân phụ trách Phòng Nhạc thiếu nhi.
Hai phòng ở cạnh nhau, cùng bàn bạc cùng sẻ chia, cùng thức đêm thường trực. Có tin tức gì vui (và cả buồn) đều thông báo cho nhau như thể anh em một nhà (mà đúng là một nhà…Đài). Từ tin thời tiết đến tin thời sự trong cả nước đều nhanh chóng được tiếp nhận hàng giờ, nhất là những ngày tháng 3 và tháng 4/1975.
Ngoài việc biên soạn các chương trình ca nhạc để động viên và theo sát các chiến trường, chúng tôi còn tranh thủ buổi đêm ngồi so dây nắn phím đàn sáng tác. Tôi viết bài hát “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” tự thấy mình sáng tác nhanh (chỉ trong 2 đêm), nhưng các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nguyễn An, Mộng Lân viết còn nhanh hơn tôi (chỉ trong một đêm).
Đặc biệt, nhạc sĩ Hoàng Hà vốn rất nhẩn nha, điềm tĩnh là vậy nhưng anh viết bài hát “Đất nước trọn niềm vui” chỉ có vài giờ. Chúng tôi viết xong là hát cho nhau nghe, mong được nhiều người góp ý sửa chữa.
Anh Hoàng Hà khoe với tôi: “Sau 2 giờ tập trung nghiền ngẫm đã tạm xong cả nhạc và lời, hát cho Huyền nghe nhé!”. Tôi chăm chú lắng nghe anh hát, thích thú với giai điệu độc đáo và cả điệu bộ vui say đầy tưởng tượng của Hoàng Hà.
Giai điệu như bay lên trong ngày vui của cả nước, tạo nên một bức tranh sống động và lung linh sắc màu khi Bắc Nam sum họp: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây…”. Ý nhạc trong đoạn 1 đầy gợi mở và cũng khẳng định: “Ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương”. Đó là điều ai cũng mong muốn khi non sông sạch bóng quân thù.
Nét nhạc ấy như tô thêm lời nhắn nhủ cộng đồng hãy yêu thương nhau hơn. Những câu nhạc tiếp theo đã vượt qua nỗi xúc động trào dâng không hát được nên lời. Có lẽ vì thế mà câu ơ… ơ… ơ… ớ...ờ…kéo dài và lượn lên lượn xuống đầy hiệu quả lại không phải tốn công đặt lời.
Chuyển sang đoạn 2, Hoàng Hà đã diễn tả tình cảm rạo rực hơn: “Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam - Tổ Quốc anh hùng”. Người hát cũng như người nghe như thấy mình cũng bay lên giữa trời quê yêu mến.
Anh cũng không quên cho giai điệu lắng xuống để tự tình: “Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường”. Câu nhạc ấy được láy lại ở lời 2: “Đêm hoa đăng những môi cười là đóa hoa đời tươi thắm tuyệt vời”. Giữa niềm vui ấy ta bỗng nhớ đến những người vì quê hương mà vắng mặt. Cả một chuỗi hình dung từ rất xúc động: “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy non sông…Bác vui với hội toàn dân”. Hoàng Hà hát câu này tôi thấy mắt anh lệ cứ vòng quanh (trích nhật ký ngày 26/4/1975).
Nhạc sĩ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929 quê gốc Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông làm việc ở văn phòng tỉnh bộ Việt Minh, Phúc Yên. Hoàng Hà gắn bó nhiều với công tác văn hóa ở tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1962, ông về học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) sau đó về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những năm này, Hoàng Hà nổi tiếng với các bài hát: Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn,… Đến bài hát “Đất nước trọn niềm vui” càng khẳng định thêm tài năng sáng tác của ông và chiếm được cảm tình của thính giả cả nước. Bài hát đã đồng hành cùng năm tháng và sống mãi trong lòng công chúng.
Nếu “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là bài hát xuất sắc trong thể ca khúc quần chúng thì “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà cũng đạt được tiêu chuẩn đó trong thể ca khúc nghệ thuật. Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên đã từng hát thành công bài hát “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, đến bài hát “Đất nước trọn niềm vui” cũng được ông thể hiện thật tuyệt vời.
Giọng hát ấy đã đồng cảm và nâng tác phẩm lên nhiều lần. Còn nhớ, hôm thu thanh bài hát này cả ba chúng tôi đều giữ làm lưu niệm bằng một tấm ảnh chụp chung, niềm vui cũng như đang bay lên.
Đọc lại những trang nhật ký 38 năm về trước, hình ảnh nhạc sĩ Hoàng Hà một thời sôi nổi bên nhau đáng nhớ cứ hiển hiện trong tôi. Ông cùng gia đình chuyển vào thành phố Vũng Tàu sinh sống từ năm 1985, thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn gọi điện thoại thăm hỏi nhau. Chiều qua (4/9/2013), nhạc sĩ Hoàng Lương (con trai ông) giọng nghẹn ngào báo tin buồn cho tôi: “Bố cháu mất rồi, chú ơi!”.
Tôi nghẹn ngào không nói lên lời, bởi thương ông, nhớ ông mà không thể vào để đưa tiễn ông – một nhạc sĩ sống rất tình cảm và có nhiều cống hiến cho đất nước nói chung và Đài TNVN nói riêng.
. Theo Nhạc sĩ Dân Huyền (VOV)