Các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh: Tồn tại nhiều bất cập
Ðây là kết quả giám sát các dự án BOT giao thông QL 1 và QL 19 qua địa bàn tỉnh vừa được Ðoàn ÐBQH tỉnh thực hiện. Ðó là, việc thi công làm ảnh hưởng đến công trình xây dựng nhà dân, đất sản xuất, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết. Ðường bị hư hỏng nhiều, song các trạm BOT không giảm giá vé hoặc giảm nhỏ giọt và không đúng với cam kết, gây bức xúc cho các chủ phương tiện giao thông.
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình trạng hư hỏng, xuống cấp của QL 1 đoạn qua đèo Nhông (Phù Mỹ).
Bất cập đường hỏng - phí cao
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 dự án (DA) giao thông được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) gồm: DA nâng cấp, mở rộng QL 1 Bắc Bình Định (đoạn từ km 1125 - km 1153); DA nâng cấp, mở rộng QL 1 Nam Bình Định - Phú Yên (đoạn từ km 1212+400 - km 1265) và DA cải tạo, nâng cấp QL 19 (đoạn từ km 17+027 - km50).
Không thể phủ nhận, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã góp phần cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, giảm TNGT, thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy, các DA BOT này đang tồn tại nhiều bất cập. Đáng chú ý là tình trạng hư hỏng nền đường, mặt đường các tuyến QL khá phổ biến do chất lượng thi công không đảm bảo. Chưa đầy 2 năm đưa vào khai thác, sử dụng, nhưng các tuyến QL 1, QL 19 qua địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ trâu” trên mặt đường. Dù các đơn vị chủ đầu tư đã tập trung sửa chữa, dặm vá, nhưng chỉ sau vài cơn mưa, mặt đường lại bị hư hỏng.
Ông Tiết Đinh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.2 thuộc Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng Cục Đường bộ Việt Nam) - đơn vị quản lý các tuyến QL 1, QL 19 qua địa bàn tỉnh, nhìn nhận: “So với các tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung, mặt đường nhựa QL 1, QL 19 đoạn qua Bình Định bị hư hỏng nặng nề nhất, song chưa thể xác định nguyên nhân mà phải chờ cơ quan kiểm định độc lập. Về việc khắc phục, tiến độ khá chậm là do thời tiết bất lợi”.
Qua khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của chính quyền các địa phương, bà con cử tri về việc thu phí đường bộ tại các trạm BOT còn nhiều bất cập, như: khoảng cách, quy mô, vị trí đặt trạm thu phí trên QL 1 đoạn qua tỉnh Bình Định chưa hợp lý (chưa đảm bảo điều kiện 2 trạm cách nhau 70 km theo quy định của Bộ GTVT); quy định khung giá, mức giá, lộ trình giảm giá giữa các trạm thu phí không công bằng, gây bức xúc trong dư luận.
Tại Trạm thu phí BOT Nam Bình Định (tại phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), bắt đầu giảm giá vé qua trạm từ ngày 1.1.2018, song thay vì giảm 10.000 đồng/vé/lượt đối với các phương tiện giao thông loại 1 (xe dưới 12 ghế, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) như thỏa thuận, chủ đầu tư chỉ giảm 5.000 đồng/vé/lượt.
Ngoài ra, việc thực hiện các DA BOT giao thông trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng một số vấn đề chưa giải quyết triệt để. Nổi cộm là quá trình thi công QL 1 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Nhơn gây ảnh hưởng, làm 204 ngôi nhà dân bị nứt tường, hư hỏng. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã liên tục khiếu nại đề nghị đền bù nhưng đến nay nhà đầu tư BOT Bắc Bình Định vẫn chưa giải quyết. Tại các tuyến đường tránh quốc lộ, việc thi công các cầu, cống giao thông cũng làm hàng chục ha đất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá, nông dân không thể sản xuất. UBND tỉnh và các địa phương đã nhiều lần đề nghị các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Mặc dù thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp nhưng tuyến QL 1 qua địa bàn tỉnh vẫn liên tục xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ trâu” trên mặt đường.
Cần sớm khắc phục
Tại buổi làm việc với các sở, ngành chức năng và các nhà đầu tư sau chuyến giám sát các DA BOT giao thông, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đã yêu cầu các chủ đầu tư sớm quan tâm, giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập liên quan, đảm bảo việc khai thác các tuyến QL 1, QL 19 hiệu quả, an toàn.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các chủ đầu tư BOT giao thông phải xác định rõ nguyên nhân của tình trạng mặt đường nhựa các tuyến QL 1, QL 19 bị xuống cấp nhanh và có biện pháp khắc phục kịp thời, bền vững. Có chính sách giảm giá thu phí hài hòa tại các trạm, ưu tiên giảm giá cho các chủ phương tiện tại địa phương, đảm bảo lợi ích công bằng giữa DN và chủ phương tiện. Không thể để tình trạng người dân trả phí cao trong khi sử dụng dịch vụ quá kém do mặt đường xuống cấp”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của chính quyền các địa phương, các sở, ngành và cử tri để tổng hợp, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng để có những điều chỉnh phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình giao thông theo hình thức đầu tư BOT trong thời gian tới.
NGUYỄN HÂN
Tôi thấy nhân dân ở trạm thu phí BOT nào làm căng thì giảm phí, còn trạm BOT nào mà nhân dân ít làm căng thì giảm lấy lệ. Không hiểu sao chính sách gì mà thấy không đồng bộ.