“Cú huých” cho đài truyền thanh xã
Theo nhận định của Sở TT&TT, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn (gọi tắt là đài truyền thanh xã) trên địa bàn tỉnh thời gian tới chắc chắn chuyển biến rõ nét. Cơ sở của sự thay đổi tích cực đó là HÐND tỉnh đã ban hành 1 nghị quyết riêng quy định về chế độ, chính sách cho nhân viên đài truyền thanh xã.
Nhân viên ĐTT xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện chương trình phát thanh. Ảnh: KIM CƯƠNG
Giải quyết bất cập về nhân lực
Theo Sở TT&TT, đội ngũ nhân viên đài truyền thanh (ĐTT) xã thời gian qua chưa được bố trí hợp lý, nơi thừa nơi thiếu. Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, quy định về số lượng nhân viên ĐTT xã có từ 3 - 4 người (tùy thuộc vào dân số, địa bàn). Số lượng theo quy định như trên là cao, không phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh giản tổ chức; mặt khác, giữa các địa phương không thống nhất, có địa phương bố trí 3 - 4 nhân viên (26 đài), có địa phương bố trí 1 nhân viên (43 đài), thậm chí có đài không có nhân viên (14 đài).
Hiện nay, có trường hợp một số trưởng đài chưa nắm rõ tinh thần Nghị quyết số 99 của HÐND tỉnh, cho rằng mình bị hạ phụ cấp. Ông Bùi Huy Phúc, Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở TT&TT cho biết: Nghị quyết số 99 của HÐND tỉnh chỉ áp dụng đối với nhân viên thực hiện nhiệm vụ biên tập, phát thanh, kỹ thuật của ÐTT xã. Riêng trưởng đài là người hoạt động không chuyên trách vẫn được hưởng phụ cấp 1,2 theo Quyết định số 45/2013/QÐ-UBND, ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, quy định về mức phụ cấp cho nhân viên thấp (350 ngàn đồng/người/tháng), không phù hợp khi mức lương cơ sở thay đổi, nên việc chi trả chế độ này mỗi địa phương vận dụng mỗi cách, không thống nhất. Các chế độ chính sách về hỗ trợ đóng BHXH, BHYT cho nhân viên chưa được quy định và quan tâm thực hiện, chưa khuyến khích đội ngũ này gắn bó với công việc. Đây cũng là nguyên nhân của việc khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, phần lớn nhân viên ĐTT xã không đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ (174/274 nhân viên chưa qua đào tạo hoặc chỉ có trình độ THPT).
Có thể nói, những khó khăn lớn nhất và tồn tại nhiều năm qua làm giảm chất lượng hoạt động của hệ thống ĐTT xã trong tỉnh, sẽ được giải quyết cơ bản, nhờ Nghị quyết số 99 của HĐND tỉnh (khóa XII, tại kỳ họp thứ 5).
Theo đó, từ năm 2018, ĐTT xã có 1 trưởng đài và 1 - 2 nhân viên, tùy theo tình hình thực tế, địa phương bố trí, sắp xếp theo hướng kiêm nhiệm để không tăng thêm số lượng nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ.
Phụ cấp hàng tháng đối với nhân viên ĐTT xã được điều chỉnh mức từ số tiền cụ thể sang hệ số 1,0 mức lương cơ sở, để phù hợp tình hình thực tế khi lương cơ sở thay đổi; trường hợp kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định. Nhân viên ĐTT xã còn được hỗ trợ tham gia BHYT theo quy định, cụ thể là được hỗ trợ 2/3 mức đóng BHYT tối thiểu tại thời điểm tham gia (trừ người kiêm nhiệm đang hưởng chính sách BHYT).
Tiếp tục quan tâm, đầu tư
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa, là cầu nối thông tin, tuyên truyền giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với người dân, bên cạnh đó là chức năng của một loại hình báo chí, ĐTT xã được Nhà nước xác định duy trì lâu dài. Văn bản mới nhất cho quan điểm về hoạt động này là Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5.9.2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới và Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 6.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.
Hiện nay, một số tỉnh, thành có xu hướng thay hình thức tuyên truyền qua hệ thống ĐTT cơ sở bằng các phương tiện hiện đại khác. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hoạt động của phương tiện này. Thực tế hoạt động nhiều năm qua cho thấy, ở khu vực vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống này có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh...
“Nghị quyết 99 của HĐND tỉnh thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động của ĐTT xã. Bên cạnh đó, Đề án Nâng cao năng lực hoạt động của ĐTT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định - do Sở TT&TT xây dựng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm đánh giá tổng thể hiện trạng, đề xuất giải pháp đẩy mạnh hiệu quả - sắp được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ tiếp tục giải quyết toàn diện những vướng mắc của hoạt động trên. Hy vọng, chính sách mới sẽ tạo động lực thúc đẩy ĐTT cơ sở thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền tại địa phương”, bà Thu Hòa tin tưởng.
SAO LY