Chị Đem “thổ cẩm Bana”
Vĩnh Thạnh vào một chiều đông, khi cái lạnh của đêm sắp bủa vây là lúc các giá, các mí từ nương rẫy trở về với khung dệt thổ cẩm. Đây là thói quen, cũng là công việc của nhiều phụ nữ Bana ở huyện Vĩnh Thạnh. Chị Đinh Thị Đem, dáng người nhỏ nhắn, ở làng Klot - Pok, thị trấn Vĩnh Thạnh, cũng hối hả bên những sản phẩm của mình.
Chị Đinh Thị Đem chăm chút các sản phẩm thổ cẩm sau khi xong công việc hàng ngày.
Bắt đầu học nghề truyền thống từ năm 12 tuổi, hiện tại, chị Đem không chỉ là một trong số ít những người có khả năng nắm giữ nghề dệt truyền thống của đồng bào Bana mà còn tâm huyết truyền dạy cho thế hệ sau, nhen nhóm tình yêu thổ cẩm cho lớp trẻ. “Tôi rất vui khi truyền dạy nghề truyền thống cho mọi người, vì vậy ai có nhu cầu học tôi đều dạy. Hơn nữa tôi thường dạy cho các cháu ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh từ những kỹ năng cơ bản cho đến phức tạp hơn nếu các cháu có đam mê. Những kỹ năng cơ bản thì tùy theo khả năng mà các cháu có thể tiếp thu từ một đến hai tuần”, chị Đem chia sẻ.
Khác với phần lớn các bà, các chị, trong làng, các sản phẩm thổ cẩm của chị Đinh Thị Đem không chỉ để dùng mà còn có thể bán nhờ mẫu mã đa dạng, sự chắc tay, chăm chút trong cách dệt. “Mỗi sản phẩm thổ cẩm ra đời đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ từ khâu chọn chỉ dệt đến các bước tiếp theo. Hơn nữa, chiều theo thị hiếu của khách hàng nên trang phục tôi luôn làm theo hai kiểu là truyền thống và cách tân. Đôi lúc tôi làm theo mẫu của khách. Nhờ vậy mà sản phẩm bán được”, chị Đinh Thị Đem chia sẻ thêm.
“Chị Đinh Thị Đem là một trong những người còn lại của Vĩnh Thạnh nắm giữ, truyền dạy và phát huy được nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Đây là điều thiết thực để bảo tồn, duy trì văn hóa truyền thống của người Bana”, nhà nghiên cứu văn hóa Yang Danh cho biết.
THẢO KHUY
Mẹ tuyệt vời nhất