Ánh sáng trong tĩnh lặng
(Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang)
-BÙI THỊ DIỆU-
1. Với người nghệ sĩ, sáng tạo chính là sự sống. Qua tác phẩm, người viết trò chuyện, thổ lộ, giãi bày; nói về mình, về người, cuộc đời. Đọc tác phẩm của Trần Thị Huyền Trang, ta thấy chị làm thơ, viết văn, khảo cứu… luôn bởi một sự thôi thúc mãnh liệt, từ trách nhiệm của một người con với quê hương đất nước, từ ý thức về vai trò cá nhân với lịch sử, từ sứ mệnh của người cầm bút trước cuộc đời. Chị băn khoăn day dứt:
Những ngọn lửa sáng thơm hồn vạn đại
có ngọn nào do ta thắp không anh
nghe từ phía những vì sao xa ngái
lời tri âm khẩn thiết gọi tên mình
…
2. Đọc tập thơ nhỏ Trong tĩnh lặng (NXB Hội nhà văn 2005), chúng ta nghe được âm thanh, thấy được sóng, cảm được độ ấm nóng nồng nàn của nhiều vầng sáng lung linh.
2.1. Những ngọn lửa sáng thơm hồn vạn đại
Đó là thứ ánh sáng tỏa ra từ những nhân cách lớn, những con người chị trân trọng, yêu quý, ngưỡng mộ: Quang Trung, Trần Nhân Tông, Quách Tấn, Yến Lan, Nguyễn Đình Thi, nhà giáo Trương Tham, những ông thầy võ, một người anh, 153 liệt sĩ sư đoàn Sao Vàng…
Về Yến Lan, người được xem là Lân trong tứ linh của Bàn thành tứ hữu, chỉ bằng bốn dòng lục bát, Trần Thị Huyền Trang đã gợi ra được thần thái cốt cách rất riêng của nhà thơ xứ An Nhơn:
Người là ngọn nước ròng xanh
Là con đò chấp chòng chành khói mây
Tiếng cười vẳng nhẹ đâu đây
Hồn như trang giấy thấm đầy nỗi thơ
(Nhớ Yến Lan)
Được lọc qua thời gian, chị giữ lại ký ức đẹp nhất về người: nụ cười hiền hậu, tình người dịu dàng, hồn thơ đầy ẩn ức mà như khói mây bảng lảng. Và hẳn là, người vẫn luôn như còn hiện diện đâu đây, trong đời sống văn hóa, đời sống thường hằng, trong linh hồn quê hương xứ sở.
Chị dùng từ “hầu chuyện” để diễn đạt trân trọng những lần tiếp kiến nhà giáo Trương Tham. Hầu chuyện, là lắng nghe những năm tháng đi qua một cuộc đời, là thâu nhận thứ ánh sáng sống động, tươi ròng từ trái tim người thầy. Đó là ánh sáng tình yêu đối với mảnh đất cội nguồn, nỗi đau đáu với học trò; ánh sáng của nhiệt huyết, sự tận tâm với nghề; ánh sáng của nhân cách trong sạch, thẳng thắn; là ánh sáng tỏa ra từ sách và hoa - những giá trị thanh cao. Sau mọi trải nghiệm, tâm hồn người thầy ấy chính là ánh sáng:
Sau lưng ông rất nhiều năm tháng
Mọi hư vinh vô nghĩa trước mặt trời
Chỉ còn lại đóa phù dung thảng thốt
Biến ảo và trung thực tận cùng thôi
(Bên hoa phù dung hầu chuyện một nhà giáo)
Những câu chuyện của ông thấp thoáng rặng phù dung dọc nguồn sông Kim Sơn, sáng trắng trưa hồng chiều đỏ, bóng hoa tha thướt lồng trong bóng nước quê nhà, và phù dung theo ông về ở trong khoảng sân nhỏ một góc phố thị Quy Nhơn. Đóa phù dung vừa thực vừa mộng ấy, qua các sắc độ biến ảo, là tín hiệu của nỗi thương nhớ, thảng thốt, rưng rưng; là vẻ đẹp của chân tâm, trung thực tận cùng bất chấp mọi hư vinh phù phiếm.
Bài thơ Ngày cuối xuân, chị viết về nhà thơ lớn Nguyễn Đình Thi, ngày ông thanh thản ra đi (18.4.2003), bỏ lại mọi buồn vui trên bậc thềm nhân thế. Chị nhìn Nguyễn Đình Thi trong thời đại của chính ông, giữa những mối quan hệ sinh thời. Mạch suy tưởng ngầm đã tôn vinh tầm vóc thi nhân: “Ông đã làm cho thế hệ mình đẹp lên/ làm cho nhiều người xót xa, hạnh phúc”. Đẹp và thực! Nhớ về Nguyễn Đình Thi, không chỉ chúng ta, mà còn có:
Những tầng cây lá đỏ dải rừng xa…
(Ngày cuối xuân)
Chọn một hình ảnh đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của đất nước, của niềm tin mãnh liệt trong thơ Nguyễn Đình Thi, chị làm cho màu lá đỏ ngân lên thứ ánh sáng bất tử, lặng lẽ mà bền bỉ, vĩnh hằng…
“Ngọn nến cô đơn” là cách riêng chị nói về Quách Tấn. Qua thơ chị, hiện lên một lão thi nhân râu tóc bạc phơ, kiêu hãnh mà đa cảm đa tình, một bầu nội tâm sâu kín và phong phú, một con người hơi cố chấp nhưng luôn nghĩ đến/nghĩ cho người khác; (hẳn là) một cốt cách thi sĩ nhẹ như gió mà vững như núi, mới có thể giữ được vẻ đẹp thâm trầm, sang trọng của thơ ca cổ điển trong những ngày tháng đổi thay náo nhiệt xô bồ. Và nữa, sứ mệnh văn chương di dưỡng linh hồn của một vùng đất, theo chị, trước đó không ai khác gánh vác nổi, ngoài Quách Tấn- người luôn mang một nước non Bình Định trong lòng.
Ngọn nến cô đơn ấy đã cháy lên khôn nguôi tình yêu bè bạn, tình quê hương đất nước.
Ta còn gặp một ngọn lửa sáng thơm thuần khiết, soi rọi tâm linh hậu thế, tỏa ra từ hình ảnh vua Trần trong Bàn cờ Yên Tử, người lẫm liệt từ ngôi cao trút bỏ hoàng bào để trở về với thiên nhiên, cỏ cây, thong dong gậy trúc. Đó là sự trở về nguyên sơ trong tư tưởng triết học của người phương Đông, sống như nước, như đá. Và rất đẹp, rất thơ là cách chị cảm nhận:
Suối Cầm Thực chảy qua than
Ròng ròng gương mặt giang san mỉm cười
Ướt, lấp lánh, tươi mới. Vừa cụ thể vừa rất khái quát. Những con chữ hiền lành, sống động đã minh giải tâm thế đạo - đời nhất quán. Trút bỏ quyền lực thì nhẹ không, nhưng tâm trí không dứt suy tư phương lược bảo vệ cơ đồ cho muôn thuở. Vẻ đẹp thoát tục của vua Trần làm nên hoặc, chính là vẻ đẹp non sông.
Trở đi trở lại nhiều lần trong các tác phẩm của Trần Thị Huyền Trang như một nỗi day dứt là hình ảnh Quang Trung. Dường như những điều chị muốn nói về Nguyễn Huệ luôn là chưa đủ. Khảo cứu về lịch sử, chị nhận xét: “Ông (Nguyễn Huệ) là người đã khơi dậy cái nghĩa thâm viễn của những tâm hồn tri âm hạnh ngộ để nó song hành cùng nghĩa vua tôi. Từng văn thần võ tướng dưới triều đại Quang Trung đã có diễm phúc cảm nhận bên cạnh nhịp đập của trái tim họ là nhịp đập trái tim của một lãnh tụ sáng suốt, bao dung và kiệt xuất. […] Trong bàn tay ông, không một giá trị nào bị lãng phí” (Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại). Trong truyện ngắn Trên đỉnh rừng thần, chị xây dựng Nguyễn Huệ thành một nhân vật mang vẻ đẹp lý tưởng của kiểu nhân vật sử thi: người tiên phong, kết tinh sức mạnh, lý tưởng, khao khát của cộng đồng, được cộng đồng ngưỡng mộ, thần phục và hỗ trợ.
Trong Vua áo vải - thơ, hình tượng Nguyễn Huệ hiện lên vừa sừng sững, lẫm liệt với những chiến công vừa bao dung, chân thành, ấm áp. Năm đoạn thơ ngắn của bài thơ ghi lại hành trình, con đường của một vị anh hùng “suốt đời trọn nghĩa với dân” (chữ dùng của Nguyễn Đình Chiểu). Nhưng ánh sáng tỏa ra từ Quang Trung, đóng góp lớn nhất của ông với lịch sử dân tộc, điều còn lại sau cuối lại là ở chiến thuật tâm công, bài học dùng người, để:
Kẻ sĩ vì Người thành của báu
Đá vì Người thành ngọc
Hoa đào vì Người không tàn
(Vua áo vải )
Ý thơ thắp lên trong lòng người đọc niềm tin, thắp lên cả nỗi đau thế sự và khát khao cống hiến.
Trong một hành trình tìm và gặp, tín hiệu mà con người phát ra sẽ thu về gấp bội nguồn năng lượng tương đồng. Những ngọn lửa sáng thơm như tấm gương soi phản chiếu nhân cách, tâm hồn, những khát khao sâu kín luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp của thi nhân. Cái tài của Trần Thị Huyền Trang là khả năng nắm bắt thần thái của người khác, thâu tóm trong vài câu chữ, hình ảnh; ghi lại một cách sinh động khiến gương mặt ấy, đời sống ấy trở thành biểu tượng, nguồn sáng, nguồn năng lượng. Những con người của lịch sử, của đời thực khi bước vào trang thơ của chị đều tỏa ra vẻ đẹp thuần khiết, mang giá trị thẩm mỹ cao. Bằng vào tầm vóc văn hóa, lịch sử của những nhân vật mà chị đề cập, nói về họ bằng thơ là một sự mạo hiểm, nếu không đủ bản lĩnh ngòi bút sẽ dễ sa vào kiểu thơ ca tụng. Nhưng chị đã không dừng lại. Tôi nghĩ, ngoài khả năng viết, không thể thiếu một tấc lòng thành - chị đã trải một chân tâm để hướng vọng và khai mở những chân tâm.
2.2. Những ngọn đèn xưa
Đó là nhan đề của một bài thơ, và tôi muốn mượn nó để nói đến ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân nghĩa… những phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc tỏa ra trong thơ Trần Thị Huyền Trang, như những cây vông đồng gai những cội gòn bông trắng góp phần làm nên linh hồn của những thôn xóm bình yên/ những thôn xóm vĩnh hằng (Lời tựa).
Người thương yêu đến mọi lam lũ của đời. Để trong bước chân mưu sinh của người bán cháo khuya, chị nghe được cả sự cực nhọc lẫn cái hồn hậu ân tình sâu lắng. Một bài thơ nhỏ nhắn, bốn câu thôi, mà xao xuyến hoài không dứt, là đây:
Có người gánh lửa vào đêm
Chân không bén đất khăn mềm vắt vai
Lời rao thâu cả dặm dài
Bao nhiêu cơ cực rơi ngoài thảo thơm
(Người bán cháo khuya)
Đi đâu trên đất nước mình, ta lại không gặp những gánh hàng khuya, những tiếng rao đêm, những ngọn đèn hột vịt nho nhỏ tù mù… để nghe trong thơ Trần Thị Huyền Trang dậy lên niềm mến thương da diết. Cái thảo thơm của người bán cháo, là tấm lòng của bà, của mẹ, … , để ta quay về với hiu quạnh mà không còn nghe cô độc. Lửa đã ấm vào đêm, ân tình ấm vào lòng.
Hay màu lửa sáng trong những ngọn đèn xưa của mẹ, “…có thể làm cho đêm bớt nặng/ tiếng chim cuốc đếm canh trường đỡ quạnh/ người lỡ đường khỏi vấp bơ vơ”. Còn phép trời và nghĩa người trong những câu chuyện xưa của mẹ, những bài học đạo lí đầu tiên là khuôn thước để con giữ mình, sống khiêm nhường và trung thực. Hai nguồn sáng ấy cùng đi qua năm tháng, giữ gìn và soi chiếu và lan tỏa những giá trị đạo đức, cốt lõi làm nên giá trị con người. Trần Thị Huyền Trang từng chia sẻ: “Trong đời sống đương đại, khi biến đổi là một quy luật khắc nghiệt, những giá trị nhân văn trở thành nỗi hoài nhớ, và phía bên kia nỗi hoài nhớ, chính là nỗ lực tìm lại, hay khơi mở. Tìm lại trong tâm thức, trong quá khứ, cũng chính là đặt vấn đề cho hôm nay và mai sau”. Ngọn đèn xưa, chuyện xưa mà rưng rưng tới nay là bởi nỗi trăn trở thấm đẫm chất nhân văn ấy.
Trong tập thơ có một bài thơ tựa đề Ánh sáng. Được hiểu theo nghĩa của thơ ca, ánh sáng của lòng trung thực. Bài thơ chị viết tặng Thiên Lộc, con trai, Bờm của chị. Như một mạch ngầm qua thời gian, từ ngọn đèn xưa của mẹ, ánh sáng chảy đến hôm nay, “thứ ánh sáng để hoa nói bằng hương để hương bay bằng gió”. Người đọc còn nghe được trong tứ thơ một nguồn sáng khác, cũng chảy qua thời gian, đó là tình mẹ con, là tình yêu bao la vô tận của mẹ. “Đi đi con”, lời thúc giục của mẹ như thả một cánh diều vào trời xanh bát ngát. Mà tình yêu và niềm tin của mẹ sẽ là điểm tựa cho con luôn tìm thấy bằng an. Mẹ hóa thành con chó đá, con không cần biết đâu, bất động mà là động. Đó là thứ ánh sáng vô ngôn, vượt ra ngoài mọi giới hạn của ngôn ngữ, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim yêu thương.
Ai không rung cảm trước tình yêu mãnh liệt ấy?
Và khép lại mạch triết luận trong thơ chị, cuối cùng, xin nói đến bài Tiềm thức. Một trong những thế mạnh của Trần Thị Huyền Trang là xây dựng tứ thơ trên quan hệ đối xứng, tương phản với hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Trong bài Tiềm thức, đó là Cái chết và Mây trắng. Cái chết trần trụi, đẫm máu, đau đớn nói cho ta nghe về tội ác của chiến tranh. Việc lũ trẻ tiểu học bị dẫn đi vòng quanh xác người cộng sản nói cho ta nghe về sự tàn bạo của quân xâm lược. Nhưng bao bọc quanh anh lại là mây trắng. Trời xanh, những đóa mây, vẻ thanh thản trong suốt trên gương mặt anh tỏa ra ánh sáng của niềm tin vào vẻ đẹp của chính nghĩa, của tương lai.
Tiềm thức trẻ thơ ghi nhận cả Cái chết, Tội ác và Mây trắng. Nhưng điều ám ảnh, trở thành nỗi thao thức vượt lên trên thực tại, vượt qua thời gian lại chỉ còn là vẻ thanh thản trong suốt đã được thanh lọc.
2. 3. Nghe từ phía những vì sao xa ngái…
Là sự lắng nghe của một người thơ. Người thơ ấy khao khát đồng điệu, khao khát tri âm, sẻ chia, thấu hiểu.
Trước khi chờ đợi, chị cháy sáng. Trường từ vựng trong thơ chị là một trường ánh sáng khát khao. Cuốn hút và lan tỏa.
Chị nói, thơ với tôi, có khi “nồng nhiệt núi lửa” (Với thơ). Chị nói, “tôi mang theo trong trái tim mình/ mùi ban mai và mùi nắng chiều chưng cất qua tán lá” (Hành trang). Chị hát, “mà sóng đi cuồn cuộn/ mà nắng thơm lồng lộng” (Bài ca cổ xưa). Chị hát, “ơi những cánh chim chỉ biết trời xanh…/ tiếng hót trong veo…/ long lanh…/ và hoa đã nở ư/ trong vườn ta/ rực rỡ”… (Tiếng chim). Chị kể, “trăng xuống bến tắm khuya/ bước lên/ ròng ròng nước bạc” (Trong đêm). Chị kể, “nơi ta qua/ mùa thu lên cầu vồng /… / từng dải sáng/ dịu/ thơm/ ngây ngất” (Cầu vồng); nếu cầu vồng là vẻ đẹp thăng hoa của đất trời, của vũ trụ thì tình yêu là sự thăng hoa của cảm xúc, “khi rụt rè anh chạm vào em”. Thơ, khoảnh khắc ấy, như từng dải sáng cầu vồng nối mùa thu với tình yêu, lấp lánh hạnh phúc.
Hình ảnh lặp lại nhiều trong thơ chị là trăng và hoa. 6/37 bài thơ có Trăng: Hành trang, Ngoảnh lại, Viết tặng chú cua đồng, Về một người thơ, Trong đêm, Dù bao mùa đi qua. Không tính hình ảnh “lốc đen cào nhật nguyệt” trong bài thơ Bên mộ 153 liệt sĩ sư đoàn Sao Vàng. Trăng trong thơ chị đẫm ướt, lấp lánh, mở một không gian thánh thiện, gọi mời và soi chiếu những ước vọng nên thơ, tốt đẹp. 19/37 bài thơ có Hoa. Có khi là hoa rất chung: hoa trắng rười rượi, hoa ngủ say trong thung lũng, sách và hoa, hoa đã nở, dấu hoa trong chốn tương tư, cánh đồng hoa say đắm… Còn lại là những bông hoa có tên: cải, lau, bìm bìm, cỏ may, thiên lý… ; và những biểu tượng từ hoa: phù dung, bông cúc, sen trắng, hoa đào. Hình ảnh sen xuất hiện nhiều nhất, 3 lần, là biểu tượng của sự hy sinh cao thượng: “Tin ở bùn lời hứa/một mùa sen trắng trong” (Bên mộ 153 liệt sĩ sư đoàn Sao Vàng); sự trong trẻo, thuần khiết (Ngoài mọi niềm mong đợi); sự thanh thản, an yên:
Niềm vui nhiều
nhưng không dễ chọn
sen nở trắng hồ
(Lời cuối sách)
Trăng và hoa, ánh sáng và hương thơm. Tự nó có khả năng thanh lọc.
Và lời tri âm khẩn thiết là động lực để chị không ngừng kiếm tìm, không ngừng viết. Tiếng nói tri âm ấy có khi rất đỗi kín đáo, rất tinh tế, vương vấn dịu dàng:
Ai hát về bông cúc
Mà trăng vàng chiêm bao
(Dù bao mùa đi qua)
Có khi lại rất hiển nhiên, mãnh liệt:
Giữa chốn bụi bặm
Sự trong trẻo càng sáng
Cho dù thế
Ánh sáng thanh tao vẫn nở bừng
Những đóa sen
Và mùi hương tri âm
Tự tìm về
Ngoài mọi niềm mong đợi
(Ngoài mọi niềm mong đợi)
Quà tặng dành cho người viết, còn có gì hơn ngoài tình yêu của bạn đọc, tình yêu tìm thấy bởi sự kết nối từ trái tim đến trái tim.
2.4. Đọc Trong tĩnh lặng nói riêng và thơ Trần Thị Huyền Trang nói chung, không thể không ngẫm nghĩ về sự đơn sơ giản dị. Cái giản dị trong câu chữ, trong cấu tứ, trong thể thơ… là cái giản dị tài hoa của một hồn thơ hữu xạ tự nhiên hương, không cần đến những trang sức làm màu. Cái giản dị đó truyền đến người đọc những rung cảm trực tiếp, ngân lên sợi dây mỏng manh của buồn vui, trăn trở, yêu thương… Vậy nên, thơ chị rất giàu nhạc điệu. Thứ nhạc tính được làm nên bởi sự sắp đặt ngôn từ: Hát thầm, Âm nhạc, Dù bao mùa đi qua… nhưng chủ yếu vẫn là nhạc tính bên trong, những cung bậc của xúc cảm yêu thương tha thiết: tình yêu gia đình, tình yêu dịu dàng đằm thắm dành cho quê hương xứ sở, tình yêu cuộc sống, con người…
3. Nếu nói thơ ca cần đến năng lực của Trời, Đất và Người -Thiên năng, Địa năng, Nhân năng - như thế giới tồn tại cần sự vận hành của Tam đạo - Thiên đạo, Địa đạo và Nhân đạo – (theo N. Konrat) thì sức mạnh thơ văn của Trần Thị Huyền Trang, đặc biệt là thơ, có được chủ yếu bởi Địa năng, sự thu nhận vào tâm hồn mình toàn bộ cuộc sống, sự buồn thương và vẻ đẹp, cùng Nhân năng, sự sâu sắc tinh tế nhạy cảm của tâm hồn.
Lửa đã cháy, sáng lên vẻ nguyên thủy thuần khiết. Qua ánh sáng trong thơ chị, con người trở về, chạm vào bản thể của chính mình.
B.T.D