PHƯỜNG ÐỐNG ÐA (TP QUY NHƠN):
Người dân phải “sống chung” với ô nhiễm
Nhiều năm nay, người dân ở tổ 27, KV 5, phường Ðống Ða (TP Quy Nhơn) khổ sở vì phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm do hố thu gom nước mưa tại khu vực bị các hộ ở trên núi và xung quanh hố xả nước thải, vứt rác trực tiếp xuống hố.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Bà Đỗ Thị Kim Loan, có nhà ở KV 5, than thở: Trước đây dân cư còn thưa thớt, ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân được coi trọng nên vấn đề ô nhiễm không nghiêm trọng như hiện nay. Vài năm trở lại đây, một số người dân lấn chiếm đất xây nhà trên núi để ở, nhiều nhà không xây dựng hố xí mà cho xả thẳng ra hố thu gom nước mưa của khu vực nên ô nhiễm ngày càng trầm trọng, chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là cả khu vực này bốc mùi hôi tanh không thể chịu nổi. Bao nhiêu thứ dơ bẩn, rác thải, nước thải sinh hoạt đều thải trực tiếp ra hố lộ thiên này. Hơn nữa toàn bộ hệ thống mương thoát nước thải dài gần 50 m không có nắp đậy chạy dọc theo đường 1.5 cũng bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh khu vực”.
Bà Nguyễn Thị Mai, có nhà ở cạnh hố thu gom nước mưa, bức xúc: “Do hố thu gom nước bị ô nhiễm nên ruồi, muỗi xuất hiện nhiều dẫn đến người dân ở đây thường xuyên bị đau ốm. Người lớn thì thường xuyên viêm mũi, học sinh và trẻ nhỏ bị các bệnh về hô hấp. Ngán với cảnh sống trong môi trường bị ô nhiễm, một số hộ dân có điều kiện về kinh tế phải bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống”.
Sáng 15.1, PV có mặt tại khu vực này và ghi nhận, hố thu gom nước mưa này rộng chừng 300 m2 và mương nước với chiều dài khoảng 50 m, rộng 2 m nằm lộ thiên, có chức năng điều tiết nước từ trên núi xuống. Tuy nhiên, khi xây dựng nhà ở, hầu hết hộ dân nơi đây đã đấu nối đường ống xả nước sinh hoạt ra hố, chỉ cần đứng gần khu vực hố trong vài phút đã không chịu nổi mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Văn Trường, có nhà ở cuối đường mương thoát nước, cho hay: “Nhân dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền về tình trạng trên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ đến khảo sát nhưng chưa có phương án khắc phục. Để khắc phục tạm thời, tôi đã mua tôn về che chắn miệng mương hở cho giảm bớt mùi hôi. Về lâu dài đề nghị thành phố nên có phương án xử lý ô nhiễm để đảm bảo đời sống cũng như sức khỏe của nhân dân quanh khu vực”.
Nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường
Theo ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, trước đây thành phố cho xây dựng hố tiêu năng tại tổ 27, KV 5, phường Đống Đa có chức năng điều tiết, điều hòa nước mưa từ trên núi Bà Hỏa xuống và lắng bùn, đất đá, giảm vận tốc dòng chảy nhằm đảm bảo công tác thoát nước tại khu vực trên. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều người dân lấn chiếm đất núi xây dựng nhà ở nên dòng chảy đã bị ảnh hưởng. Lợi dụng tại khu vực này có sẵn hố nên một số hộ xung quanh và trên núi đã tự ý đấu nối ống xả nước thải trực tiếp vào hố dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân phải làm hầm vệ sinh tự hoại, tránh xả nước bẩn ra môi trường, song ý thức bảo vệ môi trường chung của người dân còn quá kém.
Ông Đường Hạc Niên, Phó giám đốc Phụ trách Xí nghiệp thoát nước (Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn), xác nhận: “Hố tiêu năng tại tổ 27, KV 5 bị ô nhiễm trầm trọng, bốc mùi hôi thối toàn bộ khu vực. Nhằm giải quyết tình trạng trên, đầu năm 2016, Xí nghiệp huy động công nhân phát quang xung quanh khu vực hố, nạo vét bùn đất, sửa chữa hệ thống cống mương bị hư hỏng, sau đó giao lại cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, do địa phương quản lý không tốt nên hố này tiếp tục bị ô nhiễm”.
Theo ông Niên, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi xuống hố, vận động người dân xây dựng nhà phải làm hầm vệ sinh tự hoại; đồng thời địa phương phải thường xuyên phun hóa chất khử mùi hôi, tiếp tục phát quang, cho lắp đặt các tấm đan đậy đoạn cống hở, nạo vét định kỳ tuyến mương thoát nước của hố.
VĂN LƯU