BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT VÀ LỄ HỘI:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn vệ sinh thực phẩm), về một số công việc chính sẽ triển khai trong thời gian tới để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
* Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 đạt được kết quả khá khả quan. Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong năm vừa qua?
- Sự phân công, phân cấp rõ ràng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cơ sở. Đa số cơ sở thực phẩm trên địa bàn có quy mô nhỏ, hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở thực phẩm có đăng ký kinh doanh được thống kê, cập nhật kịp thời, quản lý tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể trong các xí nghiệp, nhà máy còn phát triển tự phát, cơ sở thức ăn đường phố và các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh thường xuyên biến động, rất khó thống kê, cập nhật, nên vấn đề kiểm soát hoạt động của các cơ sở này còn nhiều khó khăn.
Trong năm 2017 đã thành lập tổng cộng 569 đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp, trong đó có 516 đoàn liên ngành và 53 đoàn chuyên ngành. Các đoàn đã tiến hành thanh kiểm tra 6.464 cơ sở, kết quả có 5.554 cơ sở đạt (85,9%); 910 cơ sở vi phạm (14,1%), xử phạt cảnh cáo 3 cơ sở, phạt tiền 106 cơ sở với tổng số tiền hơn 303,5 triệu đồng, nhắc nhở 801 cơ sở.
* Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội xuân 2018 là thực hiện thanh tra, kiểm tra với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đối tượng chính của công tác thanh tra, kiểm tra đợt này được xác định như thế nào, thưa ông?
- Đối tượng thanh tra, kiểm tra đợt này là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như: thịt, các sản phẩm từ thịt, bánh mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, phụ gia thực phẩm… Trong đó, đoàn của tỉnh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện sai phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không được để sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để xảy ra trường hợp nội dung quảng cáo không phù hợp quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả.
* Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, việc tăng cường tuyên truyền thông tin cũng sẽ giúp các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chú ý hơn đến khâu ATTP. Vấn đề này sẽ được triển khai thế nào?
- Trong năm nay bắt đầu từ đợt này, các Đoàn thanh tra sẽ tăng cường kết hợp công tác tuyên truyền với công tác thanh tra trong các đợt thanh tra nhiều hơn nữa; đồng thời công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được triển khai thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin về các văn bản pháp luật, chỉ đạo của chính phủ, các văn bản liên quan đến ATTP…; tuyên truyền về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ được tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; bảo đảm các điều kiện bảo quản, kinh doanh giò, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt cổ truyền để đảm bảo ATTP. Đặc biệt, hàng tuần sẽ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
* Người tiêu dùng thực phẩm sẽ được phổ biến những gì để đảm bảo ATTP trong dịp tết Mậu Tuất và mùa Lễ hội xuân 2018, thưa ông?
- Mục tiêu đặt ra trong kế hoạch là người tiêu dùng được hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn; được hướng dẫn cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm; cách chế biến thực phẩm an toàn; tuyên truyền không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm nếu thấy nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã dập nát, ôi thiu.
Ngày tết, việc sử dụng rượu bia tăng cao so với bình thường, do đó mọi người cần lưu ý: Không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong, không lạm dụng rượu bia trong ngày tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị…
* Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (thực hiện)