Lòng tin bị đánh cắp
Những phiên tòa xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy, nhiều người đã tin tưởng vào mối quan hệ làm ăn, ký kết, để rồi dễ dàng bị người khác chiếm đoạt.
Lợi dụng lòng tin để lừa đảo
10 năm tù giam là mức án mà HĐXX đã tuyên đối với bị cáo Lê Văn H. (TP Quy Nhơn) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. H. là giám đốc của một công ty chuyên mua bán vật tư, hóa chất và sản xuất sơn cho hàng lâm sản xuất khẩu. Bị cáo H. đã lấy nhà máy sản xuất gỗ nội - ngoại thất thế chấp cho Ngân hàng theo hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất (hình thành trong tương lai) lấy 4,1 tỉ đồng để làm ăn. H. hẹn khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của lô đất trên sẽ giao cho Ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Phiên tòa xét xử 2 bị cáo Bình và Hạnh.
Tuy nhiên, sau khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, H. lại mang đi thế chấp cho một người khác để vay 2 tỉ đồng. Trong phiên xét xử sơ thẩm mới đây, bị cáo H. lý giải hành vi phạm tội của mình là vì do thiếu vốn song lại muốn duy trì và khuếch trương hoạt động kinh doanh nên đã sử dụng tài sản thế chấp nhiều nơi và thất hẹn.
Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2017 tình hình tội phạm giảm song những diễn biến liên quan đến kinh doanh thương mại, tranh chấp về hợp đồng vay, mua bán còn phức tạp. Bởi đa phần tội phạm này đều lợi dụng lòng tin của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, ngành chức năng đã truy tố 11 vụ/19 bị can lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chủ yếu liên quan đến hợp đồng làm ăn.
Hay như trường hợp của công ty Hương Nhân, do Nguyễn Thị Ngọc Hạnh làm giám đốc, đã ký kết hợp đồng mua bán bắp hạt với công ty Minh Tâm, do ông Nguyễn Văn Hưởng làm giám đốc. Từ 27.6.2014 đến 8.7.2014, Công ty Minh Tâm đã chuyển số tiền 5,4 tỉ đồng cho Công ty Hương Nhân để mua 1.000 tấn bắp hạt theo hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền của Công ty Minh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Tô Thị Bình (mẹ ruột của bị cáo Hạnh) chỉ thực hiện một phần hợp đồng là mua 402.145 kg bắp hạt, trị giá trên 2,1 tỉ đồng giao cho Công ty Minh Tâm; còn lại hơn 3,2 tỉ đồng, Bình, Hạnh chiếm đoạt để trả nợ vay, mượn trước đó cho 12 cá nhân và chi phí hoạt động cho Công ty Hương Nhân; đồng thời, 2 người này đã trốn tránh, thay đổi nơi ở, không liên lạc và cũng không cung cấp địa chỉ chỗ ở mới cho Công ty Minh Tâm.
Thận trọng trong giao dịch, ký kết
Tại phiên tòa, lúc đầu cả 2 bị cáo Bình và Hạnh tuy có thừa nhận các hành vi của mình nhưng vẫn quanh co chối tội và cho rằng mình không có ý thức chiếm đoạt tài sản của Công ty Minh Tâm. Cụ thể: Bình cho rằng việc làm của mình là bình thường, bây giờ ai làm ăn cũng vậy; còn Hạnh thì liên tục kêu oan và cho rằng tuy là giám đốc công ty Hương Nhân nhưng do tuổi đời còn trẻ, chưa hiểu biết nhiều, mọi hợp đồng làm ăn đều là do mẹ nói ký thì ký chứ bản thân không biết gì. Tuy vậy, với những chứng cứ thuyết phục, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Bình 12 năm tù giam và bị cáo Hạnh 5 năm tù giam.
Hai vụ việc trên một lần nữa cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng lòng tin của đối tác, của khách hàng để thực hiện hành vi phạm tội. Theo ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh: Để phòng ngừa không bị người khác lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong các giao dịch liên quan đến tài sản với đối tác, kể cả người quen, phải tuân theo các quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong giao dịch dân sự mà mình đã giao kết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản, mất tài sản do bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tránh những thiệt hại, hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội.
KIỀU ANH