Nhiều công trình thi công chậm, trễ hạn
Hiện nay, rất nhiều công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách ở TP Quy Nhơn đang trong tình trạng chậm trễ. Trong số này, có nhiều công trình do một ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, một đơn vị đảm nhận thi công. Hiện tượng này gây lãng phí xã hội lớn.
Chỉ cần dạo quanh Quy Nhơn và nhẩm đếm, chúng tôi đã giật mình vì số lượng công trình thi công chậm trễ, quá hạn hoàn thành từ vài tháng đến cả năm. Trong đó có khá nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng vài chục tỉ đồng.
Công trình Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) là một điển hình. Theo thông tin công bố rộng rãi, công trình này có vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng do Sở Y tế làm chủ đầu tư, do Công ty TNHH xây dựng Tân Phú thi công. Theo hồ sơ trúng thầu thi công, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 650 ngày và đến tháng 7.2013 sẽ đưa vào sử dụng. Thế nhưng, sáng ngày 5.9 khi chúng tôi đến, công trường thi công vẫn ngổn ngang gỗ lạt, công trình vẫn còn dang dở, nhiều mảng tường rộng mênh mông vẫn chưa được sơn, cửa nẻo chưa lắp. Ngày công trình hoàn thành chắc còn xa bởi trên công trường chỉ loe ngoe vài công nhân.
Sở Y tế là chủ đầu tư có nhiều công trình có tiến độ thi công chậm, trễ hạn hoàn thành. Cùng với công trình Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, riêng ở TP Quy Nhơn không thôi, còn có 2 công trình nữa cũng trễ hạn đó là Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Nhà khám thuộc BVĐK tỉnh. Từ đề nghị của Sở Y tế, UBND tỉnh đã điều chỉnh thời gian hoàn thành công trình Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đến cuối năm 2013 (theo dự án ban đầu thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình là tháng 8.2012). Tuy nhiên điều đáng nói là sau khi được tỉnh điều chỉnh thời hạn hoàn thành, công trình này gần như đình trệ liên tục cho đến cuối tháng 8.2013, doanh nghiệp trúng thầu thi công mới quay lại… san ủi dọn dẹp mặt bằng cho gọn gàng, phong quang. Còn công trình Nhà khám - BVĐK tỉnh được khởi công vào tháng 10.2010 và dự kiến hoàn thành vào ngày 25.3.2013 nhưng mãi đến tháng 9.2013 - dù đã trễ hạn đến 6 tháng - vẫn còn dang dở. Ngày 5.9 khi chúng tôi đến chân công trường, công trình còn ngổn ngang gạch đá, chỉ mới xong phần móng, trụ, khung nhà, bên trên cốp pha giàn giáo còn nguyên vẹn… Cả hai công trình vừa kể - Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Nhà khám thuộc BVĐK tỉnh - đều do Doanh nghiệp tư nhân Nam Ngân trúng thầu thi công.
Không chỉ có Doanh nghiệp tư nhân Nam Ngân, cả Công ty TNHH xây dựng Tân Phú cũng có khá nhiều công trình chậm, trễ hạn. Ngoài công trình Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ra, doanh nghiệp này còn đang thi công công trình Cơ sở làm việc của Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Bình Định (ở đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn). Theo thông tin công khai, công trình này sẽ thi công trong vòng 400 ngày, hoàn thành và bàn giao vào tháng 7.2013. Tuy nhiên đến tháng 9.2013, công trình này vẫn còn dang dở: nhiều mảng tường chưa được tô trát, sơn trít, giàn giáo vây kín một mảng lớn công trình, cửa nẻo chưa có…
Chậm tiến độ, trễ hạn hoàn thành trong công trình xây dựng có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thường được viện dẫn nhiều nhất là thiếu vốn. Tuy nhiên năng lực của các ban quản lý dự án, khả năng của nhà thầu thi công, sự nghiêm túc của bên giám sát, thậm chí của chất lượng việc xây dựng dự án cũng cần được tính đến. Điểm qua ở TP Quy Nhơn đã thấy nhiều công trình chậm, trễ như thế, theo nguồn tin của chúng tôi, tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão… cũng có khá nhiều công trình chậm trễ tương tự. Sự chậm trễ ở những công trình như kể trên gây lãng phí xã hội rất lớn, khiến hoạt động xã hội bị ảnh hưởng nhiều.
ĐÔNG A - THU DỊU
Có người nói - Các doanh nghiệp xây dựng thì có bệnh Làm liều, Ứng trước Vốn để dành gói thầu rồi sau khi thi công thì chờ Chủ đầu tư xin Vốn nhà nước thanh toán khối lượng.. - Nói vậy chưa chắc đâu. Danh nghiệp khi dự thầu lớn đều được ngân hàng bảo chứng thanh toán, qua đó chứng tỏ danh nghiệp có đủ năng lực tài chính hay không. Tôi nghĩ, chậm là do họ bỏ thầu thấp để được thi công, sau đó chạy tiếp để xin ngân sách bù giá. Nhiều công trình sau khi trúng thầu giá thấp đã được bù giá, kết quả chi phí thực tế còn cao hơn danh nghiệp thua thầu. Đây là danh nghiệp - chủ đầu tư - giám sát móc ngoặc với nhau đấy.
Bài báo này tuy ngắn nhưng nói được nhiều điều về thực trạng lĩnh vực xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách hiện nay. Hai tác giả viết một bài bài ngắn chứng tỏ Báo Bình Định vẫn tiếp tục quan tâm tới vấn đề đã nêu lên. Là một bạn đọc thường xuyên của baobinhdinh.com.vn tôi mong báo thường xuyên đầu tư cho những loạt bài viết như thế. Rất mong các kỳ báo gần lại với nhau chứ từ bài đầu tiên tới bài này rời rạc,c ách nhau xa quá rất khó theo dõi.
Các doanh nghiệp xây dựng thì có bệnh Làm liều, Ứng trước Vốn để dành gói thầu rồi sau khi thi công thì chờ Chủ đầu tư xin Vốn nhà nước thanh toán khối lượng. Tuy nhiên không dễ gì " Suôn sẻ" được nếu không có một chút gọi là chất " Phụ gia" cho người ký Ủy nhiệm chi! Do vậy : " Chậm vẫn còn là Chậm"!
Gần đây, tôi rất phấn khởi khi được đọc loạt viết về các công trình thi công chậm do nhà báo Bình Định viết. Ý kiến của bạn Nguyễn Quân rất đáng để nhà báo ghi nhớ viết bài vì nếu đúng như thế thì Sở Y tế Bình Định đã cố ý làm trái quy định Nhà nước hoặc đã lơ là, trễ nãi trong công tác. Theo tôi biết, có đến 9/10 các công trình xây dựng của ngành Y tế mấy năm nay đều chấm trúng thầu cho doanh nghiệp tư nhân Nam Ngân và tất cả các công trình này đều có những điểm khả nghi: thi công chậm, trễ hạn hoàn thành, trúng thầu giá rất thấp (hạ từ 20% đến 25%) sau đó lại được nhà nước bù giá, quản lý yếu kém để xảy ra tai nạn lao động chết người... Mong nhà báo quan tâm viết tiếp.
Những công trình rùa bò đúng như Báo Bình Định đã viết rất phổ biến. Công trình là những dãy nhà to lớn, có biển hiệu thông báo thời gian thi công, thời điểm hoàn thành rõ ràng chứ không thể che dấu được. Người dân thấy hết và rất bức xúc và nay nhà báo đã nói ra những sự thật. Tuy nhiên điều khiến người đọc chưa thỏa mãn là chủ đầu tư không nói gì hết. Mình xây nhà mà thầu trễ hạn đôi tuần đã mệt, đằng này trễ tới vài ba tháng đến cả năm ròng rã, vậy sao chủ đầu tư không lo lắng gì hết. Mà cả lãnh đạo tỉnh cũng không nói gì hết? Như vậy có phải là bao che không? Đề nghị Báo Bình Định đi viết tiếp rằng vì lý do gì mà nhà thầu yếu kém năng lực như vậy, làm công trình nào cũng bị trễ (Bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện tỉnh) mà sao lại cứ trúng thầu hết vậy là sao? Sao công trình trễ nải như vậy mà giám sát, chủ đầu tư không đốc thúc, nếu trễ cũng được vậy thì đẻ ra ông giám sát làm chi cho tốn tiền? Công trình quan trọng như bệnh viện, trụ sở công an mà còn làm chậm trễ, chậm trễ m
Thời gian gần đây, Sở y tế có một số "vấn đề" trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị máy móc, đã được báo chí nêu. Gần đây nhất là một số công trình trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc bị chậm tiến độ, đình trệ, không được đưa vào sử dụng đúng thời hạn...gây ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn. Đặc biệt, theo tôi được biết, một số phòng chuyên môn về kĩ thuật được thiết kế và xây dựng theo kiểu cũ, không hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực hành và an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm, nhưng Sở y tế không quan tâm và có ý kiến gì. Ví dụ: Lavabo xét nghiệm của Trung tâm YTDP mới, bàn xét nghiệm vẫn còn dùng kiểu lát gạch men trắng, không đảm bảo về vô trùng, vì giữa các miếng gạch có nhiều đường rãnh mối nối, khó vệ sinh diệt khuẩn!