Bảo tồn bản sắc văn hóa và gắn kết cộng đồng
Nằm trong chương trình hoạt động chào Xuân đón Tết, Trung tâm VH-TT&TT và Phòng VH-TT TP Quy Nhơn trong 5 năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của chính quyền và người dân.
Nhiều năm rồi, các cuộc thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền”, hô, hát bài chòi cổ, làm bánh chưng, bánh tét, các loại bánh dân gian, múa lân sư rồng… được tổ chức trước và trong Tết cổ truyền hàng năm, được đông đảo người dân tại nhiều phường, xã ở TP Quy Nhơn vui vẻ hưởng ứng.
Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền” một nét văn hóa truyền thống hằng năm ở Quy Nhơn, được nhiều người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Tích cực tham gia
“Cuối năm, nhiều việc bận rộn, thêm phần chuẩn bị cho các cuộc thi là thêm vất vả. Nhưng chính những người dân lại hưởng ứng rất vui vẻ và nhiệt tình! UBND phường luôn khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, người dân tham gia các hoạt động này, vừa tạo không khí tươi vui, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống…”, bà Nguyễn Thị Hoàng Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ, cho biết.
“Tổ chức những hoạt động chuẩn bị đón Tết vui xuân, không chỉ tạo không khí vui tươi cho xã hội, tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống, mà qua các hoạt động chung sức chung lòng đó, các cộng đồng dân cư còn thêm hiểu biết, đoàn kết! Nghĩ đến những giá trị đó, vất vả mấy cũng thấy nhẹ lòng!”
Ông NGUYỄN NGỌC TIẾN - Trưởng Phòng VH-TT TP Quy Nhơn
Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền” được tổ chức lần đầu tiên cách đây 4 năm, có sự tham gia của 15 phường, xã trên địa bàn thành phố. Từ chỗ bỡ ngỡ, nay nhiều người đã rành rẽ về cách dựng nêu truyền thống, một nghi thức vốn đã mai một…
Anh Lừng Thanh Bình, công chức phụ trách hoạt động văn hóa của UBND phường Ngô Mây, cho biết: “Chúng tôi tìm hiểu thông tin về cây nêu, cách dựng nêu từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ những cụ cao tuổi. Từ khâu chọn cây, trang trí đến lúc chuẩn bị dựng, tham gia làm chung ai cũng vui. Thấy Tết thêm giàu ý nghĩa…”.
Để tổ chức các hoạt động, ngành VH-TT phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Ví dụ, để tổ chức thi hô, hát bài chòi cổ, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức các lớp tập huấn về hội đánh bài chòi cổ; động viên các phường, xã cử người dự, hỗ trợ để phường gầy dựng lực lượng.
Hiệu quả thiết thực
Qua 5 lần tham gia tập huấn và tổ chức thi, giờ đây, ngay tại UBND phường, xã, nhiều nơi đã có sẵn cán bộ, công chức có thể “kiêm nhiệm” vai hiệu trong hội đánh bài chòi cổ.
Lần đầu tiên tham gia Hội thi hô, hát bài chòi dân gian lần thứ V trong dịp Tết Đinh Dậu - 2017, ông Nguyễn Duy Kính (64 tuổi), hiệu chính của đội phường Nhơn Bình, đã bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ mãi những lần vui hội bài chòi cổ ở trong thôn từ khi còn nhỏ, nên ghi nhớ cách hô, hát, câu thai. Được phường động viên, tạo điều kiện cho đi tập huấn rồi dự thi, quả thật có nhiều cảm xúc. Tôi mong muốn được góp phần bảo tồn hội đánh bài chòi cổ...”.
Cuộc thi làm bánh chưng, bánh tét được duy trì từ năm 2015 đến nay, ngoài sự hưởng ứng tham gia của phần lớn các phường, xã, còn có nhiều cá nhân, DN, đơn vị ủng hộ hàng trăm triệu đồng để có thêm nhiều bánh tặng người nghèo ăn Tết cổ truyền. Bà Nguyễn Thị Bảy, nhà ở KV 6, phường Lê Lợi, bộc bạch: “Chồng mất, con bệnh tật, hoàn cảnh nhà rất khó khăn, nên được cho bánh chưng, bánh tét chưng lên bàn thờ ngày Tết, tôi cảm thấy ấm áp tình cảm sẻ chia…”.
Từ việc tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống ở cấp thành phố, một số phường, xã đã mở rộng tổ chức thêm hoạt động ngay tại địa phương. Xã Nhơn Hải là một điển hình. Từ nhiều năm qua, UBND xã tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức hội đánh bài chòi cổ phục vụ người dân và du khách trong dịp lễ, Tết. Hoặc như phường Đống Đa, năm 2016, lần đầu tiên UBND phường đã tổ chức thành công Hội thi dựng nêu mùa Xuân với sự hưởng ứng tích cực của toàn bộ 13 khu vực trong phường.
Và UBND phường Quang Trung, dự kiến ngày 13.2 tới (tức 28 tháng Chạp), cũng là lần đầu tiên, sẽ tổ chức thi nấu bánh chưng, bánh tét tặng người nghèo, với sự tham gia của các khu vực, hội đoàn thể của phường.
HOÀI THU